Megaman Zero – chưa hoàn thành tốt vai trò của phần mở đầu

Khách mới

  

Khoan đã! Tiêu đề như trên, vậy có nghĩa Megaman Zero là 1 game không tốt? Không! Thực tế thì Megaman Zero đã làm tốt vai trò của nó với tư cách là 1 tựa game đại diện cho thể loại game Platform trên hệ máy GBA. Tuy nhiên, như tiêu đề ở trên, nó KHÔNG PHÙ HỢP để trở thành tựa game Megaman Zero đầu tiên trên hệ máy GBA. Để các đồng chí đang ngồi đọc bài này hiểu tại sao lại xảy ra nghịch lý trên, mời các đồng chí từ từ nhấm tí mồi, làm hớp bia rồi từ từ theo dõi phần dưới của bài viết để tìm hiểu.

Megaman Zero là tựa game Megaman thứ ba, và là tựa game Megaman Platform đầu tiên xuất hiện trên hệ máy GBA của Nintendo. Tuy nhiên, CAPCOM lại không sử dụng Studio của họ để phát triển tựa game này, mà nhờ Inti Creates – một studio game với các thành viên cũ từ CAPCOM nhào nặn tựa game riêng đầu tiên của anh chàng lắm fan mà cũng chết đi sống lại nhiều bậc nhất nhất Series này. Với kinh nghiệm giắt túi chỉ có 2 tựa game trên hệ máy PSX, và đây là tựa game Platform đầu tiên của họ trên GBA, khó có thể tin rằng tựa game này đã thành công rực rỡ, mở ra cuộc hành trình riêng cho Zero với 3 hậu bản tiếp theo trên hệ máy GBA và bản thân Inti Creates sau này cũng trở thành Studio CHUYÊN-SẢN-XUẤT-GAME-PLATFORM trên Handheld của Nhật Bản.

Hình ảnh: Mới lạ và cuốn hút

Thứ đầu tiên mà người viết đã nhận ra sau khi bắt đầu series game này là sự khác biệt về cách thiết kế nhân vật. Các nhân vật trong Series này được thiết kế với phong cách quá khác để có thể đặt trong cùng một timeline với dòng game Megaman X. Zero và X từ những reploid giáp dày vài phân, chân tay bầu to ra tạo cảm giác cơ khí và Robot, giờ đây lại thon gọn, có gương mặt trẻ con và giống con người hơn hẳn. Thậm chí, người viết đã từng nghĩ rằng 2 series Zero là 1 timeline khác hoàn toàn Megaman X cho đến khi được chơi các hậu bản sau này của Series.

Before…

 

 

And after…

Bỏ qua việc concept Art khác biệt, gây khó hiểu và khó tiếp cận cho các fan, thì tựa game có thiết kế nhân vật độc đáo và mở đầu cho phong cách thiết kế nhân vật đậm chất Inti Creates, mà có thể dễ dàng nhận ra với các tựa game sau này của hãng như Megaman ZX, Azure Striker Gunvolt hay mới đây là Dragon Marked For Death. Đồ họa trong game cũng được thực hiện rất tốt, với các nhân vật, đôi khi là những con boss có thể chiếm diện tích lên tới một nửa màn hình, môi trường được vẽ tay và hoạt họa tỉ mỉ. Đó là chưa kể việc kẻ địch có thể có các hoạt ảnh kết liễu khác nhau tùy vũ khí bạn sử dụng. Tất cả những điều trên khiến cho tựa game trở thành một trong những tựa game GBA có nền đồ họa ấn tượng nhất ở thời điểm nó ra mắt.

Không nhiều tựa game GBA có đồ họa được như thế này đâu.

Cốt truyện: Khi anh hùng trở nên sa ngã

Cốt truyện của Megaman Zero xảy ra sau Series Megaman X khoảng 100 năm. Mở đầu tựa game, Zero được tìm thấy và đánh thức khỏi giấc ngủ đông bởi một cô gái lạ mặt đang tuyệt vọng vch, trong khi bốn bề vây quanh là một đám Reploid lăm lăm muốn nhảy xổ vào họ. Cực chẳng đã, anh chàng phải bảo vệ cô bé liễu yếu đào tơ khỏi đám bạo lực kia. Sau khi cứu được mỹ nhân đến được nơi an tòan (nhờ một vài sự trợ giúp nho nhỏ), Zero – trong trạng thái bị mất não toàn phần do cũng đã lâu không vận động trí tuệ, mới hỏi cô bé xem bản thân anh là ai? Cô bé là ai? Cớ sao tự nhiên lại đánh thức anh dậy ? Lúc này, theo lời kể của cô bé kia, chúng ta mới biết, thì ra là hòa bình đã trở lại. Sigma – kẻ phản diện xuyên suốt Series X đã bị tiêu diệt. Và X đã trở thành vị thánh của cả loài người và Reploid tại Neo Arcadia – nơi được gọi là Utopia của cả con người và Reploid. Tuy nhiên, hắn đã rời xa lý tưởng ban đầu của mình là xây dựng thế giới nơi con người có thể chung sống hòa bình với Reploid. Hắn loại trừ thẳng tay bất cứ Reploid nào hắn nghĩ là Maverick và có thể gây hại cho loài người. Và thế là con giun xéo lắm cũng quằn. Một nhóm các Reploid đã cùng nhau đứng lên chống lại ách cai trị tàn bạo của X – nhân vật chính của Series Megaman X, nay đã trở thành tên bạo chúa phân biệt chủng tộc.

Họ được lãnh đạo bởi Ciel – nữ chính của tựa game – và cũng chính là người Zero đã cứu, là nhà khoa học thiên tài. Buổi đầu khó khăn, quân cách mạng chưa được đào tạo chiến đấu bài bản, quân địch còn mạnh, khí giới đầy đủ, lại thiếu thốn lương thực… à nhầm, năng lượng trầm trọng, nên đội quân kháng chiến thua liên tục, phải lùi về nơi rừng núi… ủa lộn nữa, là lùi về dưới lòng đất để bảo toàn lực lượng trước các cuộc truy quét của kẻ thù. Sức cùng lực tận, Ciel cùng các đồng đội còn sống sót phải tìm kiếm hi vọng cuối cùng – huyền thoại có sức mạnh sánh ngang đầu não kẻ thù – chính là Zero, chàng trai vàng trong làng chết hụt. Nghe đến đây, Zero tức cái bụng lắm. Ai đời đứa bạn thưở cởi truồng tắm mưa mới có trăm năm không gặp đã đổ đốn thế. Anh bèn nhận lời Ciel, dốc sức giúp quân kháng chiến quẩy tung Neo Arcadia, Tìm bằng được X để nói chuyện cho ra nhẽ. Và thế là câu chuyện về hành trình của Zero trên con đường chống lại đấng X cùng 4 đệ ruột của hắn bắt đầu.

X và các đệ tử

Với mở đầu như trên, những gì chúng ta đã biết về các nhân vật của Megaman X nay đã không còn đúng sau 100 năm. Anh hùng xả thân để xây dựng thế giới hòa bình cho Reploid nay đã biến chất, trở thành tên bạo chúa tàn sát đồng loại, còn Zero trở thành nhân vật chính, ký ức chỉ còn là con số không đúng như cái tên của anh, giờ đây chiến đấu để đem lại công bằng cho Reploid và tìm lại quá khứ của mình. Mạch truyện trên có mở đầu hấp dẫn và phát triển cũng khá tốt. Có điều, do yếu tố phần cứng nên chúng ta không thể có những đoạn video cinematic hoành tráng về cuộc đối đầu định mệnh của hai kẻ đã từng kề vai sát cánh cứu rỗi cả thế giới. Dẫu vậy, ít nhất thì cốt truyện của tựa game đã thoát khỏi định kiến về cốt truyện của dòng game Megaman: rằng CỐT-TRUYỆN-CHỈ-ĐỂ-CHO-CÓ (và thậm chí nửa cuối của X Series còn chẳng được Logic do Plot tự vả nhau liên tục). Cách xây dựng cốt truyện của Inti đã một mũi tên trúng hai đích: vừa có sự mới lạ với những người mới tiếp cận với dòng game Megaman, vừa tạo được sự tò mò cho các fan vốn đã cày nát dòng game Megaman X. Good job! Inti Creates!

Gameplay: Dark Souls trong thế giới Megaman

Quên hết mọi thứ bạn đã biết trong Megaman X hay Megaman Classic đi. Ở Megaman Classic bạn hạ gục boss để có skill mới ? Ở Megaman X, bạn rúc thử mọi ngóc ngách để tìm giáp nâng cấp ? Bạn thực hiện Combo đồi bại Dash Cancel với Zero đến nỗi ngón tay phải của bạn mất hết cảm giác trong khi tay trái còn chẳng thêm đụng vào Gamepad? Xin lỗi, ở đây chúng tôi đ*o làm thế. Chẳng có thứ gì gọi là Special Weapon hay EX-Skill như các series trước cả. Cũng chẳng có Armor nâng cấp để người chơi spam Air Dash như nước lã, chẳng có cái thứ combo Dash Cancel đã đánh hỏng vô số cái Gamepad PSX của hàng triệu game thủ trên thế giới. Nhưng thiếu những thứ kể trên cũng không khiến cho Megaman Zero có Gameplay kém hấp dẫn, mà ngược lại, những thứ mà Inti bổ sung khiến cho Gameplay của Megaman Zero cuốn hút hơn gấp bội đàn anh, và quan trọng hơn hết, là tạo ra được phong cách gameplay mà chỉ mình Megaman Zero có được.

Không thiếu vũ khí để nghịch

Megaman Zero không có vũ khí đặc biệt hay kĩ năng đặc biệt, nhưng Zero lại có thể sử dụng 4 thứ binh khí khác nhau với công dụng hòan tòan khác biệt và độc đáo, khiến cho từ series X và Classics đòi hỏi sử dụng thanh thạo các vũ khí đặc biệt, nay là sử dụng thành thạo binh khí ở Megaman Zero. Zero không có áo giáp nâng cấp như đấng X, nhưng bù lại, anh có hệ thống Elf đa dụng hơn gấp bội. Từ hồi máu, tăng lượng máu tối đa, hay cứu thoát khỏi những cái bẫy chết người cho Zero, thậm chí có những Elf còn có công dụng yểm trợ hỏa lực cùng anh, hay hack điểm nhiệm vụ để màn hình chơi game trở nên thượng đẳng hơn với chữ S khủng bố yên vị cạnh cột máu của người chơi. Không có những combo rút máu kẻ địch trong tích tắc, nhưng giờ đây, độ cơ động của Zero được tăng lên gấp bội. Người chơi có thể chém cả khi trượt và khi chạy, hoạt ảnh bắn nay đã mượt hơn và dồn nhanh thêm sát thương sau khi bắn charge shot. Quỹ đạo bật tường cũng trở nên linh hoạt hơn. Chưa kể là cả những binh khí khác cũng có những kĩ năng sử dụng đặc biệt giúp các bước di chuyển trở nên mượt mà hơn, khiến các màn nhảy nhót ảo diệu – đặc sản của series game Megaman càng có cơ hội được tỏa sáng.

Nhịp game cao hơn các đàn anh rõ rệt

Cơ mà Zero có tiến hóa chút đỉnh lúc ngủ đông dưới lòng đất thì 100 năm sau cũng thọt Level so với thế giới ngòai kia chẳng kém Tề Thiên đại thánh năm xưa bị giam dưới chân Ngũ Hành Sơn 500 năm có lẻ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta xếp gameplay của Megaman Zero có độ khó thuộc hàng cao nhất trong mọi tựa game Megaman khi mà Inti buff cho Zero một phần thì lại buff cho kẻ địch của anh ta mười phần. Moveset và Hitbox của hầu hết kẻ địch khá khó chịu và đòi hỏi phải căn góc thật chuẩn để có thể tránh một cách hòan hảo. Tiếp đến là cách sắp xếp kẻ địch khiến cho người chơi phải mất máu khá nhiều để có thể bắt nhịp và chạy nhảy trơn tru hơn vào những lần tiếp theo ghé lại. Tất nhiên là không thể không nhắc đến những màn đấu trùm truyền thống của tựa game với tần suất thử thách lòng kiên nhẫn của người chơi ngày càng tăng cho đến cuối game.

Ngay từ Boss thứ hai của game là Aztec Falcon, tuy bộ kĩ năng không quá khó nhằn nhưng người chơi lại phải đối đầu với boss trong hòan cảnh bị giới hạn thời gian, rồi sau đó là những con trùm khó nhằn hơn với những bộ kỹ năng đòi hỏi khả năng né tránh cao hơn nhiều so với đàn anh Megaman X. Và nếu như thế vẫn chưa đủ, thì X và những thuộc hạ trung thành của hắn sẽ khiến bạn xây xẩm mặt mày với những màn đánh đố đôi mắt và đôi bàn tay của người chơi khi liên tục dồn ép chúng hoạt động với mức công suất cao nhất. Người chơi sẽ phải chết rất rất nhiều lần cho đến khi thuộc lòng hòan toan bộ kĩ năng của từng con trùm để có thể vượt qua được chúng bình an vô sự. Còn vượt trùm mà không dính sát thương thì lại còn là một câu chuyện khác xa câu chuyện vượt trùm vừa rồi. Túm lại, việc tăng độ khó của series Zero như trên như con dao hai lưỡi, một mặt vừa tăng thời lượng chơi game, đồng thời tạo thử thách cho người chơi, nhưng cũng khiến người chơi dễ nản lòng và có khả năng khiến cho việc đối đầu với trùm trở nên khó chịu.


Cuộc đối đầu ác mộng của mọi gã gà mờ.

Thêm một vấn đề nữa với Gameplay của Megaman Zero đó là đặt nặng tính cày cuốc hơn nhiều so với tính RPG nhỏ nhoi tồn tại trong nó mà có lẽ vấn đề ở đây là hệ thống tiền tệ bất hợp lý và hệ thống tăng tiến sức mạnh không tương xứng với độ khó. Bạn bắt đầu game với hai bàn tay trắng đúng nghĩa, lượm được khẩu súng của xác chết dưới chân, sau đấy được con Elf ất ơ nào đấy quăng cho cây kiếm, mà thậm chí bạn còn không combo nổi cái combo Triple Slash cơ bản mà hồi trăm năm trước bạn spam thay cho việc ăn uống. Bạn bắt đầu tạm ổn khi có thể vượt qua 3 – 4 màn chơi đầu tiên bình yên vô sự với khoảng… vài chục lượt ngã xuống gì đấy, nhặt được dăm ba con Elf trên đường đi, và sau đó bạn gặp 1 trong 4 cận vệ của X và thậm chí chết bởi hắn còn nhiều hơn cả số mạng ngã xuống từ đầu game đến lúc gặp hắn.

Tuy nhiên, sự cay cú màn hình Game Over hiện lên trong khi con trùm chỉ cách cái chết 1-2 nhát chém không cho phép bạn dừng lại. Bạn điên cuồng chặt bọn tôm tép để farm lấy E-Crystal (đơn vị tiền tệ chính trong game) và lên cấp vũ khí với hi vọng đồ xịn hơn thì lần sau gặp lại sẽ chặt cháu nó ra bã, mặc dù việc farm creep còn chán hơn giải bài tập về nhà mỗi tối khi mà tỉ lệ rơi ra E-Crystal, số lượng E-Crystal rơi ra lẫn lượng kinh nghiệm lên cấp vũ khí đều quá ít ỏi, đấy là chưa kể các màn chơi còn lặp lại khiến cho việc farm creep đã chán lại càng thêm chán. Vòng lặp mắc kẹt tại tên trùm khó nhằn, rồi lại phải farm đồ quá lâu dẫn đến việc xen lẫn trải nghiệm chạy nhảy thú vị và liền mạch của game là những khoảng phải cày cuốc farm kĩ năng và Elf nhàm chán, mà có khi đến cuối game bạn chỉ dùng chưa đến một nửa lượng Elf tích trữ được cũng như chỉ thành thục 1 đến 2 vũ khí nhất định. Hệ quả là mặc dù có những cải tiến sáng giá, nhưng những điểm yếu về các ngưỡng tăng tiến sức mạnh, độ khó chưa hợp lý  và hệ thống tiền tệ khiến tựa game không có được một trải nghiệm chơi game hoàn toàn thoải mái và khó tiếp cận với người mới. Dù sao, cũng đáng mừng là phần lớn các điểm yếu này đã được khắc phục tại các hậu bản sau này cũng như các tựa game khác của Inti.

Những con số mang đến sự tuyệt vọng.

Âm thanh: dừng lại ở mức ổn

Không có quá nhiều điều để nói về phần âm thanh của Megaman Zero. Hầu hết nhạc nền và hiệu ứng chỉ dừng lại ở mức phù hợp với màn chơi. Phải mãi về giai đoạn cuối của game, mới có những bản OST ổn như Neo Arcadia hay For The Endless Fight.

Tổng kết

Megaman Zero là một tựa game phải có trong bộ sưu tập Handheld của bất cứ game thủ nào, nhưng không phải là một tựa game lý tưởng để bắt đầu bước vào thế giới game Platform nói chung và dòng game Megaman nói riêng. Bản thân mình cũng khá may mắn là được làm quen với Megaman Zero 4 trước, chứ nếu bắt đầu từ Megaman Zero thì chắc cũng không đủ kiên nhẫn lết hết game này. Mặc dù tựa game hoàn thiện rất tốt ở hầu hết các mặt, nhưng cách thiết kế màn chơi cùng độ khó của nó và thiết kế nhân vật tuy đẹp nhưng chẳng liên quan đến dòng game cùng timeline với nó là rào cản với những fan bảo thủ với hình tượng của các nhân vật trong dòng X, những fan nhỏ tuổi với kỹ năng chơi game không cao, hoặc những Gamer không quá Hardcore, trừ khi họ đã sẵn sàng để tìm kiếm thử thách thực sự và chẳng ngại việc hình tượng Zero nam tính của họ bị moe hóa ra sao.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện