Run Like Hell: Hunt Or Be Hunted, vẫn là một tựa game khá tốt

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

#oldschool

Quay trở về đề tài kinh dị một chút, nhưng yên tâm là lần này lại không phải Survival Horror dù tựa game ngày hôm nay mà tôi nói đến cũng lại vô tình có cái tag này. Trên thực tế nếu bạn hỏi thì game là một dạng Shooter TPS phần nhiều rồi, yếu tố horror vẫn còn đó song chính cái action là cái đã lấn át nó. Tựa game kinh điển mà tôi muốn mổ xẻ ngày hôm nay là Run Like Hell: Hunt Or Be Hunted.


Run Like Hell: Hunt Or Be Hunted

  • Phát triển: Digital Mayhem (Trực thuộc Interplay và là một trong những đội ngũ đã tham gia vào phát triển các huyền thoại như Fallout, Baldur Gate, Wasteland, Descent,… Và cũng có cả một số thương hiệu nổi tiếng khác. Dĩ nhiên như bạn biết thì mấy gã này đang trên đà xuống dốc thê thảm. Không hiểu tại sao nhưng thật sự xuống khá dốc và có tin đồn là Interplay đang xem xét để bán một số thương hiệu nổi tiếng và bản quyền sản phẩm…)
  • Phát hành: Interplay Entertainment (thị trường Bắc Mĩ), Avalon Interactive (Châu Âu) và CAPCOM (Nhật Bản)
  • Hệ máy: PS2, Xbox (Phiên bản Xbox được ưu ái một vài content mở rộng và chế độ chơi mới)

Quá trình phát triển

Giải thích một phần tại sao tựa game khá… nửa vời. Trưởng nhóm phát triển lúc đó là Brian Freyermuth, một anh tài đã làm nên tên tuổi ở những bản Fallout đầu tiên cho đến Fallout: Brotherhood Of Steel, The Suffering: Ties That Bind, ông cũng là một trong những lead designer của Marvel’s Guardians of the Galaxy: The Telltale Series nếu như Telltale không phá sản. Quá trình phát triển game kéo dài khá lâu trong khoảng 4 đến 5 năm, hàng tá nhân viên trong đội ngũ bị thay đổi hoặc bỏ giữa chừng, vô số concept và bản thử mẫu bị bỏ đi, xào đi xào lại… và kết cục là một số phần của game hợp lý song một số chỗ khác lại khá lố bịch. Trò chơi cũng cố gắng để đi theo trend lúc bấy giờ cho nên cái ý tưởng ban đầu về cái gọi là “Resident Evil” ngoài không gian cũng đã được chuyển hóa hoàn toàn (trước thời của game người ta đã nhắc đến Carrier như là 1 clone của “Resident Evil” theo phong cách viễn tưởng nhưng Carrier không đi đến được một thành công hay tạo được tiếng vang lớn do chỉ độc quyền dead console Dreamcast vào những năm 2000-2001). Đội ngũ gần như đã phát triển một phiên bản “Survival Horror” hoàn chỉnh cho game cho đến khi phát triển được gần 60 đến 70% thì ý tưởng lại thay đổi, giữ lại toàn bộ assets và map cũng như các phần thiết yếu, kẻ thù được giảm chất lượng và độ khó nhưng bù lại bằng số lượng và chiến thuật của A.I để phù hợp với lối chơi hành động bắn súng, đồng thời fix lại luôn góc nhìn và vài yếu tố khách quan khác. Cứ tưởng mọi chuyện đã an bài song 10 tháng trước khi game được phát hành thì concept lại bị hủy, họ không thể xin hoãn lịch phát hành game lại vì thời gian vốn đã là quá lâu (tốn gần 5 đến 6 năm). Cho nên Brian và các cộng sự đã phải làm “Rush” hết mức có thể để cho kịp cái hạn phát hành oái oăm đó, dẫn đến việc ông phải thừa nhận là “Chúng tôi đã không thể đưa được hết toàn bộ các concept vào game cũng như kịp chỉnh sửa mọi thứ.” Vì thế Run Like Hell tồn tại như là một tựa rushed game, thậm chí ngay cái tên của trò chơi, ban đầu họ định đặt một cái tên sao cho có văn vẻ một chút nhưng đến cuối cùng chả hiểu thằng cha nào nghĩ ra cái tên Run Like Hell. Vào cái thời 2001-2002 thì có thể không ai thắc mắc cái tên đâu nhưng nói thật là – nó nghe tựa như một bộ phim kinh dị hạng B vậy, cho dù RLH thật sự là một tựa AAA có đầu tư, song chỉ tiếc là tựa game lại dính vào cả tấn rắc rối như vậy.

“During its five year run, we went through 2 Executive Producers, 3 Producers, 3 Lead Programmers, and 2 Lead Artists. And each one came in with their own view of what the game should be.” – Brian Freyermuth, lead desginer.


Gameplay

Cũng khá khó nuốt là bởi nếu như bạn được trải nghiệm game từ tuổi thơ, có thể bạn sẽ vẫn thấy nó thú vị song sự thật là tiết tấu game có vẻ khá ổn định và chậm – suy ra là sẽ rất khó nuốt nếu như bạn chỉ muốn tìm cảm giác casual hơn hoặc bạn chỉ đơn giản là muốn give up ở một số khúc nhất định. Góc nhìn người thứ ba thẳng chính tâm nhưng thỉnh thoảng góc camera sẽ có đảo lại thành các góc tự do, mục tiêu là để cho bạn cảm thấy game như có chiều sâu hơn chút với vô số góc nhìn. Game có cung cấp một hệ thống mechanic riêng cũng như một vài hệ thống quen thuộc để bạn nhớ lại cái thời survivor horror ví dụ như hệ thống giải đố, có yếu tố jumpscare và âm thanh được thiết kế tốt. Game cố gắng đưa bạn đến cái âm u ù tai của hệ thống máy móc hay việc đi giữa những hành lang của một con tàu rộng lớn mà luôn phải trong trạng thái cảnh giác vì bị đánh lén. Hệ thống giải đố có thể khá dễ dãi ở một số khúc và mô tuýp song cũng khá thử thách ở những khúc khác. Nhân vật như thường lệ sẽ luôn có một hệ thống item, map và tương tác quen thuộc nơi mà bạn quản lý các nguồn tài nguyên bạn kiếm được, kiểm tra tình hình đạn dược của vũ khí (tùy từng loại vũ khí trong game mà sẽ có khẩu bất tử đạn song cũng sẽ có những khẩu yêu cầu đạn dược). Hệ thống vũ khí có thể được nâng cấp thông qua việc tìm kiếm các chip, vi mạch nâng cấp cho súng với các chỉ số như sát thương, tốc độ bắn, tốc độ thay đạn và nâng cấp băng đạn… Rất thú vị.


Vẫn còn có vài bug như A.I bị kẹt cửa hay T-pose bất ngờ song tôi thấy là hiện tượng này cũng không nhiều nên không có gì đáng lo ở đây cả (nói thật đấy, đôi khi đừng để dăm ba cái bug làm cản trở việc thưởng thức game của bạn nhất là khi chúng chỉ thỉnh thoảng xuất hiện, còn với tần suất của FO76 thì… xin bộ phận hỗ trợ support, post lên diễn đàn, khóc thét, chửi thề, đập máy… à làm thế thì phí quá, uninstall, review negative với delete mọi cái của nợ có liên quan thôi).

Combat

Hệ thống combat của game thực chất lại đơn giản hơn tôi nghĩ, cho nên tôi dám cá đây là phần họ đã làm quá rush mà không hề nghĩ đến hậu quả. Bạn sẽ sớm được cung cấp một loại vũ khí cơ bản – một khẩu Assault Rifle, hệ thống target của game có thể tự auto-lock cho bạn vào một kẻ địch gần nhất (có thể switch sang mục tiêu khác) và bạn cứ thế nhấn nút siết cò và bắn. Khá đơn giản đúng không? Điều này gây một ức chế nho nhỏ đấy là các tình huống 1vs1 hoặc kẻ địch spawn quá chậm thì trận chiến trông sẽ chẳng khác gì một trận sitting duck đấy là cứ… súng nạp đầy đạn và bạn cứ siết cò khi có bất cứ đứa nào dám lại gần bạn. Trong các tình huống quái vật spawn từ một cổng warp của chúng nếu như spawn chậm theo kiểu 1 đứa 1 thì… khá là buồn ngủ (trừ những trận chiến lớn hay combat số đông và quy mô thì tôi không nói).


Dĩ nhiên game cố gắng bù lại bằng những màn đấu boss căng thẳng và cực kì tiêu tốn thời gian và sức lực cũng như có một chút mánh khóe, hầu như mọi con boss đều luôn có mánh mini creep để câu giờ hoặc cố dồn ép bạn vào thế khó bởi không gian trong các trận chiến kinh thiên của game thường diễn ra trong những căn phòng không gian bị giới hạn. Cũng tương tự như một số game, luôn có dấu hiệu nhận biết khi nào sắp đến lúc “sấp mặt” đấy là việc bạn sẽ tìm thấy nhiều nguồn tài nguyên quý giá, có khi còn quá cả mức cần thiết. Hệ thống của đám kẻ địch trong game cũng khá đơn giản, chúng ra đòn, bạn dính đòn và bạn mất máu – không có hệ thống dodge hay evade hay bất cứ thứ gì để tăng tính gay cấn cả, thậm chí kể cả sau khi bạn đã bị trúng đòn mạnh và ngã uỵch xuống đất hay đập tường thì không hề có hệ thống cancel action hay reaction gì cả như một số game khác, chúng vẫn cứ ra đòn và bạn cứ mất máu.

Cốt truyện

Cốt truyện của game cũng diễn biến với nhịp điệu khá chậm, bạn nhập vai Nicholas Conner (không liên quan lắm nhưng sao tôi cứ có cảm giác nếu như Senator Armstrong “phịch” John Cena và đây là con cháu họ ở những thế kỉ 24 25 thế nhỉ). Anh chàng này cũng trớ trêu là một cựu quân nhân, nay đã trở thành một chuyên viên đánh giá và giám sát địa chất hoạt động trên trạm Forsetti. Mọi chuyện trở nên bất ổn sau khi Nick trở về từ một chuyến khảo sát trên một hành tinh gần đó thì cả trạm đã thất thủ trước một giống loài ngoài hành tinh mới, dần biến cả nơi này thành một cái động “Hive” của chúng. Nick vẫn may mắn tìm thấy một vài người sống sót trên trạm, song hôn thê Samantha của anh vẫn mất tích – dẫn đến việc Nick đặt việc tìm kiếm cô lên hàng đầu song song với việc tìm ra chuyện quái gì đã thực sự xảy ra và giải cứu những người sống sót khác. Cốt truyện của game sẽ đi từ chậm cho đến cao trào và đỉnh điểm theo một mạch, thiết kế rất tốt (giữ đúng luật thì tôi không spoil đâu nhé vì để hoàn thành game bạn vẫn cần ít nhất 4 đến 5 tiếng để speedrun và nếu chơi nghiêm túc thì chắc chắn sẽ dài hơn đấy). Với cốt truyện của game, tôi dám cá rằng giá như game thành công thì ai mà biết được, có khi nó còn chuyển thể được thành cả một series đấy chứ.

Âm thanh

Phần âm thanh của game có lẽ là điểm nhấn nhất bởi nó vẫn bộc lộ được sự tỉ mỉ và trau chuốt, toát lên cái chất kinh dị ngột ngạt khi ở trên một cái trạm không gian (khá na ná Dead Space mặc dù game ít gore hơn). Ví dụ như khi bạn bước qua những hành lang vắng tanh và liên tục cảm thấy những âm thanh lục đục từ phía các ống thông hơi (có gợi cho bạn điều gì không?), tiếng la hét thất thanh ở đâu đó. Hay chỉ đơn giản là đang yên đang lành thì có tiếng chân lộp bộp rất nhanh và mạnh đang hướng đến bạn. Game có rất nhiều tiềm năng song chỉ đáng trách là nó rơi vào tay một đội ngũ tài năng nhưng bản thân cái hãng thì lại có quá nhiều vấn đề. Dàn diễn viên lồng tiếng của game có lẽ lại là điểm sáng hoặc đầu tư quá mức cần thiết, chúng ta có xem nào.

Lance Henriksen (Nicholas Conner): Holy… Huyền thoại Lance Henriksen, chắc khỏi cần phải nhắc lại những vai diễn kinh điển của ông như Bishop từ Alien, Ed Harley từ series Pumkinhead, Emil Fouchon từ phim Hard Target của John Woo… Và vô số voice acting cho một số nhân vật nổi tiếng khác như Admiral Hackett từ Mass Effect, Jedi-master Gnost Dural từ Star Wars: The Old Republic và bạn biết gì nào, ông chính là…  wait wait, có lẽ tôi sẽ để bạn tự đoán thông qua câu này.

“The more things change, the more they stay the same. Boundaries shift, new players step in; but power always finds a place to rest its head. We fought and bled alongside the Russians; we should’ve known they’d hate us for it. History is written by the victor, and here I am, thinking we’d won. But you bring down one enemy and they find someone even worse to replace him. Locations change, the rationale, the objective. Yesterday’s enemies are today’s recruits. Train them to fight alongside you and pray they don’t eventually decide to hate you for it, too.”

Vẫn chưa nhận ra? Thêm câu nữa này:

“Five years ago, I lost 30,000 men in the blink of an eye, and the world just fuckin’ watched. Tomorrow there will be no shortage of volunteers, no shortage of patriots. I know you understand.”

Nếu vẫn chưa nhận ra thì… Well chả còn gì để nói nữa.

Ngoài ra ông cũng là Carl Manfred trong Detroit: Become Human (chắc quen hơn rồi đúng không?).



Và còn vô số tên tuổi khác như Thomas F.Wilson trong vai Craig (biết ai từ phim Back To The Future rồi đấy), Clancy Brown trong vai Dag’Rek (Hank từ Detroit: Become Human), Michael Ironside trong vai Mason (Sam ” Madafaka” Fisher) và huyền thoại Brad Dourif trong vai Fred (“Hi, I’m Chucky. Wanna play?”). Cả một dàn sao nằm trong đội ngũ voice acting của game, cố gắng chuyển tải và khắc họa các nhân vật đúng với tính cách và cốt truyện. Tựa game được đánh giá đã có thể kì vọng hơn hoặc thậm chí là trở thành siêu phẩm nếu như một mớ concepts không bị hủy và không vướng phải những cái dở hơi từ đội ngũ như đã nói ở trên… So much sad.

Âm nhạc của game cũng được thực hiện bởi 2 nhóm Rock nổi tiếng thời đó là Three Days Grace và Breaking Benjamin, ngoài ra còn có cả một vài references đến nhiều ca khúc nổi tiếng khác, có cả We didn’t start the fire của Billy Joel. Đúng với một game hành động, khi vào các tình huống combat số đông thì nhạc Rock nổi lên đầy ầm ĩ và… Onslaught Biatch.

Đánh giá chung

Run Like Hell: Hunt Or Be Hunted vẫn là một tựa game khá tốt, nếu như bạn định siết thời gian trong lúc chán chê hoặc muốn trải nghiệm một bộ cốt truyện game hay, dĩ nhiên thì với cái gameplay hơi nhàm chán một chút song game vẫn gỡ gạc lại ở khâu cốt truyện, chất nhạc Rock với một vài ca khúc mà tôi tin bạn có thể đưa vào playlist của bạn. Hoặc đơn giản hơn là bạn muốn tìm kiếm một tựa game kinh dị hành động tốt cho PS2 sau khi đã chơi chán chê Resident Evil chẳng hạn. Dù sao thì cũng chúc bạn có một trải nghiệm game tốt nếu như bạn thật sự định pick tựa game này.

Cùng tác giả

Lake Haven – Chrysalis: Bí ẩn ở thị trấn Lake Haven

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

Gungage – sự thử nghiệm thú vị của Konami

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

Lunacid – Giấc mộng trăng rằm

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

Seven Mansions: Ghastly Smile – nụ cười lạnh lẽo

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

Cùng tác giả

Lake Haven – Chrysalis: Bí ẩn ở thị trấn Lake Haven

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

Gungage – sự thử nghiệm thú vị của Konami

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

Lunacid – Giấc mộng trăng rằm

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

Seven Mansions: Ghastly Smile – nụ cười lạnh lẽo

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ
Henry Mason

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ
Silence is always beautiful, and a silent person is always more beautiful than one who talks

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • - 31.12.2018

    deadspace + alien in the past :v