Sau 10 tiếng, Assassin’s Creed Odyssey để lại ấn tượng gì?

Huyền thoại ★

  

Vào một cuối tuần của tháng 3 năm 2020, Assassin’s Creed Odyssey được Ubisoft cho phép chơi thử nghiệm miễn phí. Hành động “tử tế” này âu cũng do tình hình thế giới trở nên trầm trọng vì một dịch bệnh trùng tên với một hiệu bia dở tệ của Mexico, nó khiến tất cả mọi người (tốt nhất nên) bế quan toả cảng nằm lì ở nhà chơi game để cứu cả thế giới. Cũng nhờ vậy mà tui mới có dịp được đụng vào cho biết tựa game Assassin’s Creed (AC) tai tiếng rằng nó… chẳng liên quan quái gì đến việc làm sát thủ. Nói đúng hơn, nó liên quan đến nhân vật phải gọi là… bà tổ của người rồi sẽ sáng lập nên Hội Hidden Ones – tiền thân của Hội Sát Thủ (Assassin Brotherhood).

Dẫu theo lý thuyết là có đến khoảng 50 giờ để chơi – nếu chỉ ăn ở không và không có trách nhiệm gì với gia đình và công việc, tui cũng chỉ có thể đắm chìm vào AC Odyssey hơn 10 tiếng. Với bấy nhiêu đó trải nghiệm cùng với sự so sánh với một tựa game tiền nhiệm có cơ chế gameplay gần giống với Odyssey là Origins, và tất nhiên là với cảm nhận cực kỳ chủ quan: AC Odyssey với tui là một tựa game xứng danh “bình hoa di động” – chỉ được cái đẹp chả được cái gì hơn nữa. Nếu nói thẳng, Odyssey tệ đến mức phá hỏng cả hai điều lớn nhất nó muốn đạt được là một game AC hay và một game RPG hay.

*Note 1: Tui vẫn thường nói bản thân rằng hãy chơi 1/3 hay thậm chí 1/2 thời lượng thật sự của game đi rồi hãy đánh giá nó, nhưng lần này tui sẽ “liều” một chút với cảm nhận riêng lẫn đi xem xét một vài review khác. Thế nên nếu tui sai, hãy cứ bàn với tui thoải mái nhưng có văn hoá nhé.

**Note 2: Tui sẽ không bàn quá nhiều về cốt truyện, vì ở thời điểm viết bài này tui chưa chơi xong cả hai bản Origins và Odyssey. Nếu có thiếu sót hoặc sai sót cũng xin hãy rộng lượng bỏ qua hoặc nhắc nhở.

***Note 3: Tới giờ tui vẫn không hiểu sao Cây viết số 1 tự phong web này bảo đây là GOTY được. Tôn trọng ý kiến người khác thì tui làm được, nhưng để hiểu tại sao lại có ý kiến đó được thì tui đang bị hoang mang như Hồ Quỳnh Hương từng hát vậy.

Trước khi tui “hủy diệt” cả tựa game này, hãy nói về những điều mà Odyssey làm có vẻ tốt trước đã. Như đã nói, Odyssey đẹp khủng khiếp, đến mức cứ dạo chơi khoảng 10 – 15 phút là phải bật photo mode chụp hình sống ảo một lần. Xét về cơ bản, Odyssey có nền đồ họa không quá khác biệt với Origins (vì có vẻ nó được phát triển chỉ ngay sau Origins nên cũng dùng chung một engine). Khác biệt lớn nhất là màu sắc ở Địa Trung Hải với núi non, hải đảo và biển mênh mông tươi tắn hơn một Ai Cập đầy sa mạc ảm đạm vàng vọt.

Gameplay về mặt cơ chế chiến đấu có phần mượt hơn so với Origins khi có vẻ “đa đạng” hơn, tuy nhiên việc chia skill để sử dụng lại là một điểm yếu vì nó không hoàn toàn làm tốt việc của một bản skill tree của một game RPG và hơn cả là cho thấy progression thật sự của việc lên level. Nói đúng hơn, nó là kiểu skill muốn dùng thì dùng không thì thôi khỏi nâng, nó không giống như Origins khi các skill nằm trong chính cơ chế của việc chiến đấu chứ không phải là bấm nút tắt mới thi triển. Cái này do tùy gu của từng người.

Một game Assassin’s Creed retcon… của retcon?

Đáng nói nhất về AC Odyssey là tên của game và điều mà nó muốn truyền tải một cách… khá thất bại. Từ “Odyssey” khi được nhắc đến sẽ cho ra hai khái niệm ngay lập tức: Hy Lạp cổ đại (do tên của Odysseus và tập thơ lừng danh của Homer) và một cuộc phiêu lưu.

Đầu tiên xin nói về vụ bối cảnh Hy Lạp. Thật lòng mà nói thì với một tựa game luôn mang gimmick là đi về quá khứ, Hy Lạp cổ đại – cụ thể là thời Chiến tranh Polynesian giữa liên minh Sparta cùng các thành bang khác đấu với Athen là một thời điểm khá tuyệt vời, thậm chí lại còn kết nối được với vị vua Sparta lừng danh Leonidas trong trận Thermopylae kinh điển với quân Ba Tư. Với ai yêu thích sử, đây thật sự là một khoái cảm.

Nhưng với riêng vũ trụ của AC, đây là một quyết định hết sức kỳ lạ. Bởi vì vốn dĩ Origins đã là một pha retcon – thay đổi lịch sử được định sẵn chút ít (đọc comics trò này nhiều lắm)… Origins – như cái tên của nó, đã được xem là game cho thấy sự khai sinh của hội sát thủ, retcon lại sự liên quan của Amunet aka Aya thành Alexandria và “thêm vào” sự xuất hiện của một nhân vật thậm chí còn chẳng bao giờ được nhắc từ trước là Medjay – người bảo hộ – Bayek vùng Siwa. Và Odyssey có mốc thời gian còn trước cả Origins đến tận gần 400 năm, retcon thêm chút nữa về Kassandra và Alexios. Tức là đã được xem khai sinh, lại còn xem cả trước khi có khai sinh. Có thật sự cần thiết đến như vậy không? Đây là một trường hợp tui thấy giống như Rogue One và Ep IV của Star Wars ấy, có thì tốt không có chẳng sao, nhưng cũng chẳng hay đến thế để đáng nhớ.

Tiếp theo là nói về định nghĩa “phiêu lưu” của Odyssey. Trailer, những video giới thiệu khi Odyssey ra mắt luôn luôn nhấn mạnh việc “Đây là chuyến phiêu lưu của riêng bạn”, hay “Bạn tự xây thế giới mở của riêng mình”… Tức là về cơ bản, họ muốn nói rằng đây là một game phi tuyến tính, kiểu các lựa chọn của bạn sẽ làm thay đổi lore lịch sử và cốt truyện, dĩ nhiên là những thứ nho nhỏ và những thứ mang tính cá nhân chứ không phải nền lịch sử chung. Bàn đến việc phi tuyến tính này sau, nhưng dù gì thì điều này phạm một lỗi cực nghiêm trọng đó là… đây là game prequel – tiền truyện, làm sao bạn có thể phi tuyến tính một thứ đã… xảy ra trước rồi chứ?

Đã prequel, retcon, lại còn “prequel và retcon theo tùy ý bạn”… Nếu bạn thật sự quan tâm đến lore của AC, bạn có thấy kỳ lạ khi BẠN là người quyết định lore không? Và bạn biết canon của cả câu chuyện này ở đâu không? Trong một quyển sách được bán với giá 134k trên Tiki. Tức là bạn có chơi như thế nào, bạn tự tạo thế nào, cũng có một lore canon sẵn. Việc tự xây dựng thế giới trong game hoàn toàn vô nghĩa.

Và cuối cùng… đây là một game AC… không hề có assassin, nói đúng hơn là sát thủ theo đúng nghĩa của nó. Bạn là một misthios – một lính đánh thuê và đó là khởi đầu cho việc sau này có những sát thủ “vị đại nghĩa”… Yeah, right.

Thế nhưng nếu như bạn nói đây là một game RPG bối cảnh Hy Lạp cổ hay nhưng là một game AC dở thì… well, game này dở cả hai thứ đó.

Một game RPG thế giới mở tệ hại và tự hủy hoại tiềm năng

Nếu để phải tìm một đánh giá về các cơ chế lớn trong gameplay của Odyssey, thì xin nói là nó quá hời hợt. Nếu nó nửa vời, hay thậm chí lên được 70% thì cũng chỉ tiếc một chút thôi, còn đằng này tui không biết nó có làm được 40% tất cả những gì nó muốn đạt được hay không. Hãy điểm qua từng cái một nhé.

Hệ thống chọn lựa “Choices doesn’t matter”

Nhiều người đã nói rằng game này là một game “nhái Witcher 3”, và tui có thể hiểu lí do vì sao. Đó là vì Witcher 3 gần đây có lẽ là game RPG thế giới mở làm lựa chọn – hậu quả thuộc hàng tốt nhất, dĩ nhiên là không tính các game thuộc dạng choices matter thật sự như Detroit Become Human hay Life is Strange. Odyssey cũng đã làm điều này, cụ thể nhất có lẽ là ở trong side quest bạn quyết định giết người vì dịch bệnh hay tha cho họ với niềm tin mọi thứ tốt hơn (pha này meta một cách kỳ cục trong thời buổi bài viết này ra đời), hoặc ở cốt truyện chính là (mild spoiler) bạn có tha thứ cho một nhân vật khá quan trọng đến quá khứ của bạn. Cứ ngỡ như nó sẽ gây ra hậu quả với tình huống và nhân vật khôn lường, nhưng thật ra hệ quả… chẳng có gì quá nghiêm trọng, tình tiết của game cũng sẽ khiến cho việc đó “chẳng sao đâu”.

Ví dụ ở đây là Phoibe và Markos trong game dù đảo Kellaphonia có dính dịch bệnh hay không thì cũng sẽ dọn đi nơi khác mà thôi; và nhân vật kia trước sau vì cũng bị xem như đã chết (trừ một đoạn hint nhỏ nếu bạn tha ông ta sống). Nhìn lại ở Witcher 3, Keira Metz khi bỏ đi sẽ có 3 tình huống: hoặc chết dưới tay bạn, hoặc chết vì Radovid hoặc sẽ giúp đỡ bạn ở Kaer Morhen và “tệ lắm” sẽ có cutscene về kết cục của Keira theo canon của bạn để bạn biết lựa chọn của mình sẽ để lại “di chứng” gì. Tức là về căn bản, Odyssey cho bạn thấy mọi thứ phi tuyến tính, rồi lại đưa một tình huống tuyến tính về việc đó với không một hậu quả cụ thể… Choice hay không choice, nói một lời thôi!


Nhân vật là ai?

Tui có hai điều cảm thấy đáng nổi giận về Odyssey là lẽ ra nó phải nên tốt hơn rất nhiều.

Thứ nhất, đó là chúng ta có thể tự xây dựng nhân vật Alexios hoặc Kassandra thông qua lựa chọn hội thoại. Và đây là lúc nó có vấn đề. Theo như tui đi học hỏi, trong RPG có ít nhất hai loại nhập vai: nhập vai một nhân vật mình tạo ra như một trang giấy trắng hoàn toàn và tự xây một tuýp nhân vật thông qua lựa chọn lời nói theo các set tính cách “cơ bản” có sẵn (ví dụ Skyrim); và nhập vai một nhân vật đã được thiết kế sẵn đầy đủ tính cách và lựa chọn của chúng ta là đi theo hướng tính cách nào – đa phần là tốt đẹp và cực đoan nhưng vẫn mang màu sắc của chính nhân vật đó (Witcher và Mass Effect).

Odyssey thì cho chúng ta một nhân vật đã được định hình sẵn của vế 2 và cho chúng ta lựa chọn hội thoại đi theo các set tính cách “cơ bản” theo vế 1 (thậm chí trung hòa mấy câu nói theo kiểu bạn là trai gái thẳng hay đồng tính đều xài được hết). WHAT? Vậy cuối cùng Alexios hay Kassandra là nhân vật như thế nào? Tệ hơn, các đoạn cutscene sẽ cho chúng ta thấy tính cách của họ… có thể khác hoàn toàn với những lựa chọn đưa ra – ví dụ Kassandra/Alexios có một quá khứ cực bi thương nhưng chúng ta hoàn toàn có thể biến thành một nhân vật… cà rỡn xuyên suốt quá trình chơi, và vào cutscene lại bi thương đầy niềm tin lý lẽ bla bla bla… Điều này tạo ra sự mất liên kết nhân vật chúng ta “tạo ra” và chúng ta “chứng kiến”, chúng ta sẽ chẳng rõ cô ta/anh ta là người như thế nào về cuối cùng.

Đã vậy, cái tui bực nhất chính là việc lựa chọn nhập vai Alexios và Kassandra. Về cơ bản, bạn lựa chọn ai thì bạn cũng sẽ chỉ chơi theo 1 set câu chuyện, xem như đổi skin mà thôi…. QUÁ SỨC LƯỜI BIẾNG. Nếu như Ubisoft đã có thể tập trung vào việc xây dựng hai tuyến câu chuyện về hai nhân vật bị chia cắt từ nhỏ và lớn lên ở hai môi trường khác nhau ở khoảng 1/3 đến nửa đầu game, tăng khả năng chơi lại vì hai tuyến truyện khác nhau, Odyssey hoàn toàn có thể trở thành một tựa game khá độc đáo.

Này, có một game đã cho chúng ta có thể chơi như hai nhân vật với set tính cách khác nhau với các set niệm vụ (về cơ bản) là khác nhau nhưng vẫn sẽ cùng chung một đường hướng ở các nhiệm vụ lớn rồi đấy, đó là AC Syndicate với Jacob và Evie Frye (dù không phải quá hay và hơi một màu).

Nói đến việc chẳng tập trung vào cốt truyện, xây dựng nhân vật cho đàng hoàng thì…


To lớn nhưng chẳng hay ho

Odyssey có lẽ là game AC có bản đồ… nhìn mệt mỏi nhất tui từng thấy, và nó vô nghĩa. Lỗi cơ bản của những game thế giới mở Ubisoft: Cho vào bản đồ thật to, các loại nhiệm vụ không hề đa dạng và ít có tính xây dựng môi trường chỉ để giữ người chơi đi vòng vòng lâu hơn. Thật ra, Origins cũng mắc lỗi này, nhưng trước mắt thì thấy ít ra một số ít chuỗi nhiệm vụ của Origins còn khiến người chơi đầu tư vào nhân vật phụ và cả thế giới tâm linh của Ai Cập còn nhều hơn. Cái này có lẽ những người chuyên nói về thế giới mở đã nói chán chê nên tui cũng chẳng muốn nói thêm. Điều duy nhất khiến cho cái thế giới to lớn này hợp với gameplay có vẻ là lấy lại cái vụ đi thuyền tham gia hải chiến vốn quá thành công ở ACIV… Và nước đẹp thiệt…

Thật ra game đã cho vào một thứ gọi là hệ thống bounty được nâng cấp từ vụ đi giết Phylakes ở Origins theo kiểu phiên bản Nemesis giá rẻ từ Shadow of breaking-LOTR-lore… Kiểu nếu bạn đi quậy mà bị phát hiện, giết người tưng bừng bạn sẽ như bị truy nã và các lính đánh thuê khác sẽ hóng xem bạn ở đâu và săn lùng bạn. Nó cũng là một thứ tốt đấy, gợi nhớ việc hồi AC cũ bị truy nã. Nhưng một lần nữa nó cũng rất hời hợt hay nếu không muốn nói là nửa mùa, vì chỉ cần một nút bấm, tốn một mớ tiền là xong, chả ai truy đuổi nữa, trừ phi trên đường đời vô tình va vào nhau.

Để kết bài thì liệu tui rồi sẽ mua và chơi AC Odyssey không. Chắc là có, nhưng về mặt gameplay thì tui sẽ không làm những trò “tiện lợi” đã nói, combat dù gì cũng vui và đây là một thời đại lịch sử tui thích, và để đi chụp hình vì nó đẹp. Còn về mặt ý nghĩa với AC series nói chung, tui sẽ muốn xem nó còn có thể làm tệ hơn nữa được như thế nào, vì đã trót yêu thì lúc vui lúc buồn cũng cùng nhau vượt qua… Đúng không Lossiel?

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


3 cụng ly