StarCraft Brood War: ai bảo tuổi thơ chỉ có Đế chế, Warcraft và Red Alert thôi ?

Khách mới

  

Sau mấy kì thi vất vả thì cuối cùng tôi cũng mò được lên quán bia của HSBT để trò chuyện với anh em, mấy ngày hôm qua cứ như địa ngục trần gian, khi mà ôn hết cái này đến cái nọ vẫn sai tanh bành, nhưng mà không sao hết, thi thì cũng thi xong rồi, giờ than vãn cũng chẳng được ích gì. Thế nên hãy bỏ mọi chuyện qua một bên để đến với chủ đề của chúng ta ngày hôm nay. Hè về rồi, hãy cùng tôi ôn lại một chút tuổi thơ nào!

Các anh em gamer chắc hẳn đã từng chơi hoặc nghe qua những tựa game chiến lược thời gian thực như Age Of Empires, WarCraft, Red Alert,… nhưng StarCraft vẫn còn là một cái tên khá là lạ lẫm đối với một số anh em. Vì thế hôm nay, tôi sẽ giới thiệu cho mọi người về tựa game tôi yêu thích cũng như tâm đắc nhất tuổi thơ của tôi, tựa game gắn bó nhất với tôi – StarCraft: Brood War.

Sơ lược

StarCraft: Brood War là bản mở rộng của Starcraft, được sản xuất và phát triển bởi hãng làm game nổi tiếng Blizzard. StarCraft: Brood War được phát hành ở Hoa Kỳ vào ngày 30 tháng 11 năm 1998. Tính tới thời điểm hiện tại, series Starcraft đã cho ra rất nhiều phần: Starcraft 1998, Starcraft Brood War, Starcraft remastered, Starcraft II bao gồm Heart of The Swarm, Wings of Liberty và phiên bản mới nhất là The Legacy of The Void được phát hành vào năm 2015. Mỗi phần đều có cốt truyện nối tiếp nhau và đều được các nhà phê bình đánh giá rất tích cực và được nhiều game thủ chú ý tới, đặc biệt là các game thủ Hàn. Không gọi là nói quá khi StarCraft vừa ra mắt đã tạo nên một hiện tượng nóng với các game thủ trên thế giới. Mặc dù hiện nay StarCraft: Brood War tuy có ít người biết tới hơn là AoE hay WarCraft nhưng mỗi năm đều có những giải đấu được tổ chức và số lượng người chơi cũng không kém gì những tựa game trên. Đặc biệt, mỗi giải đấu đều tổ chức với quy mô lớn trên toàn thế giới, không chỉ ở Hàn mà còn ở Trung Quốc, Việt Nam,…

Cốt truyện StarCraft: Brood War

Là phần mở rộng của Starcraft, StarCraft Brood War sở hữu một cốt truyện không kém phần rắc rối với bản trước của mình. Tiếp tục là những cuộc đại chiến giữa 3 phe: Terran, Protoss, Zerg. Cốt truyện được chia thành 3 tập, kể dưới hình thức là nhiệm vụ, các cuộc hội thoại hay là các cutsence của game. Mỗi tập người chơi sẽ điều khiển một chủng tộc để làm nhiệm vụ này. Tập đầu tiên người chơi sẽ đến với 3 nhân vật quen thuộc Zeratul, Artanis, Aldaris đang tiến hành sơ tán các Protoss còn sống sót từ quê nhà bị tàn phá của họ bằng một cánh cổng không gian đến thuộc địa của các Dark Templar trên hành tinh Shakuras. Nhưng mọi chuyện không như ý khi lũ Zerg đã bám theo bọn họ đến tận Shakuras, thủ lĩnh của phe Dark Templar là Raszagal đã kịp thời thông báo cho những người sống sót về một ngôi đền của Xel’Naga có thể quét sạch được Zerg trên bề mặt hành tinh nếu được kích hoạt. Ở tập này, người chơi sẽ được điều khiển hai nhân vật Zeratul và Artanis trong nhiệm vụ thu hồi 2 tinh thể chính để kích hoạt ngôi đền. Cốt truyện tiếp diễn như nào mời các bạn chơi game để  biết thêm.

Tiếp đến tập 2 và tập 3 người chơi sẽ lần lượt vào vai các chủng tộc còn lại là Terran và Zerg để tiếp tục nhiệm vụ của riêng mình. Ở chủng tộc Terran, người chơi sẽ điều khiển quân viễn chinh của UED (United Earth Directorate) chống lại Terran Dominion. Khi người chơi tấn công thế giới Korhal IV của Dominion, người chơi sẽ phải đánh bại đội quân của kẻ mà ai cũng biết là ai – Arcturus Mengsk, người đã gián tiếp biến Sarah Kerrigan thành Queens of Blade. Nhưng, hắn ta không chết mà được cứu bởi hạm đội Protoss do Jim Raynor chỉ huy. Và không để bọn họ thoát dễ dàng được, UED đã lần theo đến quê nhà của Protoss ở Aiur. Spoil đến đây là được rồi hehe có gì các bạn chơi để biết nhé. Còn về phần chủng tộc Zerg, chắc mọi người cũng đoán được là ta sẽ chơi Kerrigan để đánh bại UED. Ở đây, Kerrigan đã phải thành lập một liên minh không mong muốn với Jim Raynor, Fenix và Mengsk. Nhưng ngoài việc liên minh với nhau để đánh bại UED là cả một kế hoạch đầy mưu mô của Kerrigan. Phần này sẽ giải thích cho các bạn tại sao Kerrigan lại bị ghét như thế, cũng như tại sao một vị anh hùng thầm lặng vì dân tộc như Zeratul lại bị coi là kẻ tội đồ… Tất cả đều có trong StarCraft:BroodWar.

Menu Campain với từng tập được kể lại dưới góc nhìn của 3 chủng tộc.

Lối chơi

Lối chơi quá là quen thuộc cho các game thủ, thu thập tài nguyên – xây công trình – xây quân – chiến đấu. Đúng là cách chơi cổ điển cho những ai đã trải qua những tựa game chiến thuật như này. Nhưng StarCraft nói chung hay Brood War nói riêng đều có cách chơi khó hơn so với các tựa game khác. Lý do bao gồm rất nhiều, điển hình là game có nhiều đơn vị (unit) về công trình lẫn quân đội, vì thế nên rất khó cho người chơi tìm được một quân vừa hợp lí kinh tế vừa counter được quân của đối thủ, lý do thứ hai đó là người chơi phải cân bằng được cả supply  na ná như nhà ở hoặc tiếp tế) nếu không các bạn sẽ bị supply blocked, bởi mỗi unit đều có số supply khác nhau, không giống như trong AoE mỗi unit chỉ cần 1 đơn vị supply. Và nhiều lí do khác mà mình không nói tới như cần phải có thao tác chuột và phím nhanh hơn các game khác, điều chỉnh quân đội đánh nhau sao cho hợp lý, Building Order rắc rối cũng là một trong những lý do khiến cho game trở nên khó hơn. Vì những lí do trên nên mặc dù game chỉ có 2 tài nguyên nhưng vẫn khó chơi hơn một số game có nhiều tài nguyên hơn.

Brood War vẫn giữ nguyên 3 chủng tộc như ban đầu là Terran, Protoss, Zerg và thêm vào đó là 7 army unit mới cho cả 3 chủng tộc. Medic cho Terran, Dark Templar (DT) cho Protoss vầ Luker cho Zerg. Ngoài ra còn có các đơn vị không quân,… Game vẫn tập trung chủ yếu thu thập các tài nguyên là Mineral và Gas để xây dựng unit. Các unit sinh ra ngoài việc cần tài nguyên thì còn cần thêm một thứ nữa là supply, supply của các unit tùy vào từng loại, bao gồm từ 1,2,… Các công trình cung cấp supply cũng tùy thuộc vào từng chủng tộc: Terran là Supply Depot, thường đường hiểu như mấy cái kho chứa vv, còn hai chủng tộc kia thì có ‘’dị’’ hơn một chút khi công trình cung cấp supply của Protoss là Pylon, một viên pha lê chứa năng lượng, cũng được biết đến là thứ liên kết các Protoss lại với nhau. Quân Protoss cũng chỉ có thể xây nhà trong vùng năng lượng của các Pylon này mà thôi. Về phe Zerg, ‘’thứ’’ cung cấp supply chính là những con Overlord, khá là dị vì những con Overlord này là unit đa chức năng, vừa có thể cung cấp supply, vừa có thể đem đi dò nhà như một con mắt, vừa có thể vận chuyển quân lính.

StarCraft đòi hỏi chỉ số APM mà trò chơi chiến lược thời gian thực nào cũng cần, riêng chỉ số APM của StarCraft đòi hỏi rất cao nên nó cũng là một lí do khiến game này trở nên khó chơi hơn. À dành cho người nào chưa biết APM là gì thì nó viết tắt của cụm từ Actions Per Minute, nghĩa là trong một phút thì người chơi sẽ thao tác được bao nhiêu hành động. Và sở dĩ game cần chỉ số APM cao vì chính trong game có rất nhiều unit nên cần thực hiện một lúc nhiều động tác.

Chủng tộc Terran

Population

Xét về mức độ nổi tiếng ở Việt Nam nói riêng thì con game này không nổi tiếng bằng những tựa game RTS khác như AoE hay Red Alert và kể cả WarCraft, nhưng nó vẫn thuộc vào hàng game RTS có lượng người chơi nhiều nhất, được nhiều game thủ chơi và trở thành game thủ chuyên ví dụ như THUOCLAO, bây giờ anh đã chuyển thành game thủ chuyên StarCraft II nhưng nói đến game thủ chuyên nghiệp của Brood War chúng ta không thể nhắc đến anh. Hiện nay, rất khó để tìm được video chơi game Brood War trên youtube của người Việt Nam, nếu có thì cũng chỉ là một vài video hướng dẫn tải game hoặc hoài niệm ngày xưa của game thủ. Như vậy chúng ta có thể thấy số lượng người chơi Brood War ở Việt Nam hiện nay không được là bao nhưng với các game thủ tâm huyết thì dù game có dead như thế nào chăng nữa cũng không từ bỏ.

Còn xét về mức độ nổi tiếng ở thế giới thì StarCraft vẫn là một tựa game được biết đến nhiều bởi các game thủ trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc như tôi đã nói, các giải đấu chuyên nghiệp vẫn diễn ra hàng năm với số lượng người chơi tham gia rất đông, được tổ chức bởi các nhà tài trợ lớn, số lượng game thủ chuyên nghiệp cũng lớn không kém gì các tựa game khác

Chung quy lại, tuy không được nhiều game thủ Việt Nam biết đến nhưng StarCraft Brood War vẫn là trò chơi gắn bó với tuổi thơ nhiều anh em gamer ở Việt Nam như tôi, dù nó đã gần như đi vào dĩ vãng rồi nhưng sự ấn tượng của nó vẫn để lại cho tôi đến tận bây giờ.

Trận đấu giữa Bisu vs Jeadong (bản remastered)

Tuổi thơ với Brood War

Đã hơn 10 năm kể từ lần đầu tiên click chuột vào game. Vì cũng đã lâu lắm rồi nên tôi chẳng nhớ rõ nữa, chỉ nhớ mập mờ là cậu của tôi, sau khi đi đại học về mang theo cái USB sang nhà tôi và tải con game này vào máy của tôi. Lần đầu tôi cũng không biết nó là cái gì cho tới khi cái tính tò mò nổi lên. Và cuối cùng tôi cũng vào game, đầu tiên phải nói về cái giao diện, tuy có một chút màu mè nhưng cũng không khó để tìm ra nơi nào để bắt đầu game. Trước đó tôi không nhớ từng mục tôi đã vào là gì vì không biết một chữ tiếng anh nào, nhưng bây giờ tải lại thì tôi mới biết, mục đầu tiên tôi nhấn vào là Single Player, và đập vào mắt tôi là 3 nhân vật tượng trưng cho 3 chủng tộc Terran, Protoss và Zerg. Mò mẫn hồi lâu thì cũng bắt đầu ván đấu đầu tiên là điều khiển quân Protoss để làm gì đó ấy. Tiếp theo tôi thoát ra ngoài, vào mục custom ấn loạn xạ lên và tôi đã vào game bằng một cách nào đó ._.. Còn mục Multiplayer tôi có ấn vào nhưng nó yêu cầu kết nối internet gì gì ấy, nên tôi không tài nào có thể chơi ở mục Multiplayer được, thế là chuỗi ngày chơi Singler Player bắt đầu. Hết Campain đến Custom, càng chơi tôi càng thích thú, nhưng có một điều kì lạ là dù có chơi được bao nhiêu trận tôi cũng không biết cách để mà thu thập Gas, thế là mấy quân dùng gas là không bao giờ tôi xin ra được, trừ khi chơi Campain nó cho trước. Sau này mới biết là cần phải xây công trình để lấy Gas. Nghĩ lại một thời chơi game chỉ toàn cầm Marine đi đẩy nhà đối thủ mà cũng thấy hài. Khổ nỗi ngày xưa chơi game mà không được ai hướng dẫn, cái ông cậu sau cũng có Laptop riêng rồi còn đi đại học, thế là tôi tự mò mẫm một mình, mò mẫm trong đêm tối. Nhưng mà thế cũng hay, nhờ tự mò mẫm một mình mà tôi biết được nhiều unit hay ho hơn, biết được một tí cốt truyện, một tí lối chơi của con game này. Và khi mò mẫm nhiều quá thì tôi bị bố mẹ cấm vì sợ nghiện :)), lâu lâu mới cho tôi chơi một lần, hoặc là khi tôi dùng khổ nhục kế. Tôi còn nhớ có lần tôi đánh nhau đùa với thằng bạn rồi giả vờ khóc để được bố cho chơi game. Nhưng sau đó rồi thì cũng bị giảm lại vì bố mẹ tôi đã miễn nhiễm với trò này của tôi. Nhưng cho chơi thì vẫn có chứ, không cho tôi lại khóc nữa thì điếc cả tai. Yeah, ‘’sự nghiệp’’ chơi Brood War của tôi tưởng như mãi mãi đến sau này cho đến khi bố đem đi sửa máy và bùm… Mất game, tôi còn quá nhỏ để nhớ cái tên game là gì thế nên suốt khoảng hơn 10 năm sau, mặc dù đều đã trải qua các con game tựa như thế, ví dụ như Red Alert, Age Of Empires, Warcraft Frozen throne nhưng tôi vẫn không thể quên được cái ấn tượng mà Brood War đã cho tôi. Và cho đến khi tôi cùng mấy đứa bạn solo AoE qua Garena Lan thì thấy cái icon của StarCraft gợi cho mình cảm giác hồi niệm ngày xưa, và không hiểu sao tôi lại chắc chắn rằng đó chính là game mình tìm kiếm lâu nay. Chắc chính tại cái ấn tượng đó đã khiến tôi nhận ra. Cuối cùng, tôi lên youtube search tên game và quả như mình mong đợi, my childhood is hereee. Cũng tải game về, chơi một vài trận và hoài niệm. Đúng là thời gian trôi nhanh thật, nhưng kí ức về Brood War thì không thể trôi theo thời gian được, mà nó ở mãi trong đầu tôi, như những ngày đầu.

Mọ mẫm Campain

Chốt bài

Hôm nay tôi chủ yếu nói với anh em về con game tuổi thơ của tôi nên phần review về game có hơi ngắn, nếu anh em muốn hiểu rõ hơn thì có 2 cách: một là Google Wiki thẳng tiến, hai là tải game về chơi, chả ngốn dung lượng là bao đâu vì game cũng cũ rồi mà. Tuy là trải nghiệm không mới đối với anh em vì dạng game này đã có rất nhiều trên mạng xã hội hiện nay, điển hình là khi bản Remastered với phần II của StarCraft đã ra, nhưng đối với những anh em có tuổi thơ là Brood War thì chắc chắn ấn tượng nó để lại cũng không kém gì tôi.

Được rồi, nếu anh em muốn trải nghiệm cảm giác cổ nhưng gameplay hay và cốt truyện không kém gì Star War thì mời các anh em cùng chơi game. Bài viết của tôi đến đây là hết, hẹn gặp lại anh em trong bài viết sau. Enjoy it.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • Đăng Bông - 04.06.2019

    Em là ai làm sao liên lạc với em để gửi nhuận bút, anh quên mất liên lạc với em qua đâu rồi.


    • 03stio - 06.06.2019

      em ib rồi đó ạ