[Trước khi bạn mua] Rainbow 6: Siege

Chủ xị

  

Mùa steam sale đang tới gần, mọi bạn nhậu ở quán chắc chắn đã có dự tính sẵn có trong đầu mình về những món game mà mình sẽ mang về nhà nghiền. Một trong số những món game sắp tới mà-chắc-chắn-sẽ-sale là Rainbow 6 Siege, một tựa game bắn súng chiến thuật (Gọi chuẩn tiếng Anh là Tactical FPS) đang dần trở nên nổi tiếng trên thế giới với – cho đến đầu năm 2018 –  35 triệu người chơi trên toàn thế giới.

35 triệu người chơi toàn cầu – Tháng 2 năm 2018

NHƯNG, đây không phải là một món game mà bạn nhậu nào mê game bắn súng cũng có thể nhâm nhi tận hưởng nó một cách thoải mái và vui vẻ. Với tư cách là một đầu bếp đam mê game thể loại FPS và có kinh nghiệm chơi game đã 15 năm, tôi xin được giải thích cho các bạn lý do mà bạn PHẢI, NÊN VÀ ĐỪNG MUA tựa game này.

Để công bằng, đây sẽ giống như một bài review game (Mà đã có một bài review trước đó, link ở đây do đầu bếp Nguyễn Đức Hiền nấu). Tuy nhiên tôi cảm thấy bài review đó chưa thực sự đi sâu mô tả vào trải nghiệm game của một hardcore gamer (Tức chơi để thắng chứ không phải để vui). Ngoài ra tôi đã có gần 400 tiếng chơi game trong casual và gần 50 tiếng trong rank nên bạn nhậu cứ tin tưởng chắc chắn vào tài xào nấu của tôi.

Giờ hãy cùng bắt đầu.

1. RAINBOW 6: SIEGE KHÔNG PHẢI LÀ GAME BẠN CHƠI ĐỂ GIẢI TRÍ

Nếu như trong đầu bạn tưởng tượng rằng sau một ngày đi làm về với một cơ thể mệt mỏi và tâm trí căng thẳng, bạn mở máy tính lên (Hoặc Xbox hay PS4), bật một lon bia lạnh cùng 1 gói ăn nhậu và thưởng thức Rainbow 6 Siege như một cách giải trí thì bạn đã nghĩ sai về game ngay từ bước đầu. Rainbow 6 Siege (Hãy gọi tắt là R6S) là một tựa game mà phải vào một buổi chiều thứ 7 hay sáng Chủ nhật, sau khi ngủ dậy và ăn một bữa sáng no nê cùng một tâm lý thoải mái trong đầu, bạn bật máy chơi game lên và mở R6S để tận hưởng nó.

Tại sao R6S không thể chơi với một tâm lý mệt mỏi/căng thẳng? Bởi vì chính bản thân game thôi đã là một gánh nặng stress rất lớn lên người chơi nó: Một tựa game bắn súng chiến thuật. Mọi hành động trong game từ việc bước đi, phát đạn bắn ra, quay camera, lái drone, đặt mìn, gia cố tường, vân vân… ĐỀU CẦN PHẢI ĐƯỢC TÍNH TOÁN CẨN THẬN! Bởi chỉ một bước sai lầm (chuyển sang camera/lái drone không đúng lúc; gia cố nhầm vị trí; ném phí phạm quả Impact nade;…) thì có thể sẽ đặt bản thân bạn vào một tình thế chết người hoặc tệ hơn là bóp d*i team, ăn blame thậm chí là bị chửi (Kể cả trong casual!) rồi kẻ địch sẽ một trận thắng dễ dàng cùng dòng chữ ggez hiện lên. Nếu bạn muốn giải trí, có những sự lựa chọn khác tốt hơn cho bạn như Call of Duty hay Battlefield là những tựa game giải stress nhẹ nhàng nhất (Mà vẫn giữ cho bạn sự rảnh tay để nâng cốc bia hay bốc miếng Doritos). Còn R6S thì giống như bạn tự tra tấn bản thân sau một ngày dài mệt mỏi, rất dễ bị “Choked”.

"Reinforce kid room" vẫn là câu đùa mỉa mai lên người mới chơi

“Reinforce kid room” vẫn là câu đùa mỉa mai lên người mới chơi

Đồng thời, từ sự đòi hỏi suy nghĩ và sự tập trung cao độ mà R6S còn có một vấn đề nữa:

2. R6S TRỪNG PHẠT SỰ NGU DỐT – BAN THƯỞNG SỰ AM HIỂU

Dùng từ ngu dốt có lẽ quá đáng quá nhưng đây là từ cần phải dùng để cảnh báo những ai không muốn đầu tư quá nhiều chất xám vào game để “Git gud”. Khi bước chân vào R6S chỉ trong 1-2 giờ đầu với Recruit, tôi đã chắc chắn một điều rất hiển nhiên: Đây không phải là một game bạn sẽ thành “Giáo sư” chỉ trong 10-15 tiếng trải nghiệm. Không. Với gần 450 tiếng trải nghiệm từ solo Terrorist Hunt cho đến solo rank (Phải, tôi solo rank trong một tựa game bắn súng chiến thuật!) lên Bạch kim 2, mỗi một trận đấu tôi lại học được một vài điều khác nhau, từ những cái nhỏ nhoi như góc đặt drone (từ việc xem drone của đồng đội) cho đến vị trí spawnpeek rồi đến các góc Anchor phát tởm vì sự chi tiết của môi trường R6S. Điều đó cho thấy gameplay của R6S sinh động đến nhường nào khi mà nó liên tục tiến hóa qua thời gian (Đến từng ngày, từng game trôi qua nếu thực sự cụ thể).

Một góc camp không thể không dùng trong map House

Một góc camp không thể không dùng trong map House

Một khi đã chân ướt chân ráo bước chân vào R6S, chắc chắn một điều sẽ xảy ra: Bạn sẽ chết – RẤT NHIỀU! Cũng dễ hiểu thôi bởi khi mới bước vào game thì bạn sẽ phải học cơ chế game đó rồi dần tương thích với nó. Nhưng với R6S thì không hề dễ dàng gì. Không chỉ đơn giản như việc 1 viên đạn của bất kỳ vũ khí nào vào đầu là chết chắc (Dù bạn có đội mũ 3 như Tachanka), R6S còn sở hữu hệ thống Learning-pattern giống Dark Soul (Và các game dạng như vậy): Chết để tiến bước, có nghĩa là bạn sẽ (phải) chết để từ đó học hỏi từ chính cái lỗi khiến mình chết cũng như cách mà đối phương giết bạn – Chủ yếu là qua killcam và cả sự chỉ bảo của đồng đội nữa. Trừ khi bạn là Shroud, thiên tài bẩm sinh chơi game (Bắn Half life từ khi 4 tuổi thì bảo sao) có những đồng đội luôn luôn túc trực bên cạnh anh ta với đủ loại game trên đời thì hãy nhớ thật kỹ một điều: Bạn sẽ chết RẤT NHIỀU LẦN!

Rainbow 6 Siege

Những góc "Peek" tởm đến phát sợ

Những góc “Peek” tởm đến phát sợ

Để làm mọi thứ khó nhằn hơn đối với người chơi, R6S còn ép buộc bạn phải học thuộc map tới tường cùng. Không đơn giản như việc bạn học thuộc map trong CS:GO rồi xem gameplay của Pro rồi biết các vị trí ném nade của họ là đã thành “Giáo sư” được, R6S còn buộc bạn phải thuộc những 3 tầng của một tòa nhà (Tức sân chơi của game) nếu bạn muốn có các lợi thế chắc chắn trong tay. Tệ hơn, vì môi trường trong game được giả lập sao cho chân thực nhất đối với người chơi, những người chơi lâu năm đã tìm hoặc phát hiện ra những vị trí đặt drone, ném camera hay thậm chí là spawnpeek, góc camp cửa sẽ khiến bạn phải há hốc mồm bởi sự sáng tạo của họ.

Một tủ rượu trong map Skyscraper

Một tủ rượu trong map Skyscraper

Có hàng tấn video trên youtube chỉ cho người xem những vị trí kể trên với đủ mục đích. Thông qua chúng bạn sẽ sở hữu lợi thế tri thức khổng lồ so với đối phương, từ đó game “Ban thưởng” một cách gián tiếp cho những ai quyết tâm Get Good trong game.


Một vị trí cố thủ rất vững chái trên tầng 2...

Một vị trí cố thủ rất vững chắc trên tầng 2…

...Có thể dễ dàng bị bắt bài ở dưới tầng 1

…Có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa ở dưới tầng 1

Cũng từ 2 điều trên, R6S mang lại một trải nghiệm không mấy “Thân thiện” với người chơi:

3. R6S KHÔNG ĐƯỢC THIẾT KẾ RA ĐỂ CHƠI “TROLL” VUI VẺ

Trong các tựa game bắn súng cạnh tranh (người vs người) khác R6S như CS:GO, Overwatch hay thậm chí là HALO (Ít người biết), bạn CÓ THỂ tìm được các trải nghiệm vui vẻ trong các game trên – kể cả là trong chế độ rank hay competitive như sấy Negev anti đẩy láo hoặc mua shotgun farm frag eco trong CS:GO (fucking smurf); chứng kiến kẻ địch (Thậm chí đồng đội) rên/gào khi chết trong Overwatch (chẳng hạn khi Genji ulti nhưng bị Rein charge vào tường) hay ném cờ cho nhau trong HALO. Nhưng trong R6S, những điều kể trên không tồn tại cả trên giấy tờ lẫn thực tiễn.

Lý do không phải vì R6S được thiết kế để làm ức chế người chơi bởi bạn vẫn có thể kiếm được tiếng cười khi chơi với các đồng chí khác (Mà mỉa mai rằng game gì bạn chơi với homie thì lại chả hay?). R6S yêu cầu bạn phải tập trung cao độ và phải liên tục đưa ra những quyết định mang tính sống còn đối với cả bạn và cả team với thời gian suy tính chỉ trong vài giây: Tiếp tục đi roam săn tên Fuze trên tầng hay quay trở lại phòng mục tiêu đang contest? Lùng bắt Jager địch hay mặc kệ hắn mà cùng team đẩy thẳng phòng đặt bom? Một khi trận đấu đã bước vào giai đoạn bắn giết/săn lùng nhau với kill feed liên tục nhảy tên trên bảng và rồi thông báo “Friendly last Operator standing” phát ra, bạn sẽ thấy rất rõ nhất áp lực mà gameplay R6S đè mạnh lên lồng ngực.


Nói vậy chứ không phải R6S không phải game bạn nên chơi nếu muốn có trải nghiệm vui vẻ, nó thưởng cho bạn – nhưng không phải sự “Vui vẻ” mà là cảm giác tự hào, mãn nguyện – vì những kiến thức về game mà bạn đã xem, đã học và đã chết để có được nó rồi áp dụng chúng đánh bại, out-play đối phương. Nếu buộc phải chỉ ra điều gì THỰC SỰ VUI khi trải nghiệm R6S suốt 450 tiếng, tôi chỉ có thể chỉ ra việc bạn chơi Caveira và có màn “Tra khảo” (Interrogate – làm lộ vị trí mọi thành viên còn lại của đối phương bằng cách hành quyết một thành viên của chúng bị gục – Down but not Out) thành công – đặc biệt là với một tên Blitz đang xông tới bạn (dù thực lòng tôi thấy SƯỚNG chứ chả thấy vui, hay cả hai là như nhau???).

Nói một cách ngắn gọn: dù đó là game casual hay rank đi chăng nữa, một khi đã chơi R6S, bạn sẽ luôn luôn phải gánh vác một phần trách nhiệm với kết cục trận đấu và điều đó không dễ dàng gì đối với những bạn nhậu tìm kiếm sự giải khuây. Tổng kết lại, bạn nhậu trước khi quyết định mang về nhà một bản copy R6S hãy suy tính kỹ sau đây:

Bạn “PHẢI” chơi Rainbow 6 Siege nếu:

  • Bạn tìm kiếm một tựa game với gameplay đậm tính chiến thuật với trách nhiệm gánh vác cao (Team first).
  • Bạn sẵn sàng bỏ ra một khoảng thời gian khổng lồ để Get Good (cá nhân tôi “ước tính” có tầm gần 70-80 tiếng chỉ bắn THunt một mình).
  • Bạn muốn một tựa game sẽ không làm bạn thất vọng vì sự đầu tư học hỏi và kỹ năng bản thân.
  • Bạn chấp nhận rằng đây là một game của Ubisuck và vẫn còn tồn tại cả đống lỗi, bug/glitch (Đặc biệt là lỗi server Hit reg – bắn trúng nhưng không chết/mất máu).
Một dạng lỗi shield glitch nữa nhưng "Có vẻ như" đã được sửa

Một shield glitch nữa nhưng “Có vẻ như” đã được sửa (Khiên di chuyển theo ụ súng máy của Tachanka)

  • Bạn muốn gia nhập một trong những cộng đồng “Thượng dank” nhất nhì thế giới (Số 1 không gì khác ngoài DOTA2, #khalachackeo).

Bạn NÊN thử trải nghiệm Rainbow 6 Siege nếu:

  • Bạn muốn thử sức một phần với một tựa game đặt cả kỹ năng cá nhân lẫn phối hợp đồng đội nặng ngang nhau (ít ra là trong rank).
  • Bạn muốn “Nếm” thử gameplay phức tạp, khó nhằn và không khoan nhượng với cả người mới chơi lẫn kỳ cựu lão thành ̣̣̣̣̣̣(*Khụ…Mercy (Overwatch)…Khụ*, tôi main Ana btw).

Bạn KHÔNG NÊN mua Rainbow 6 Siege nếu:

  • Bạn không sẵn lòng bỏ hàng chục, thậm chí hàng trăm tiếng chỉ cho 1 tựa game duy nhất.
  • Bạn ưa thích thể loại game cinematic (Thường là game single player) hay Fun First (BF1,…).
  • Bạn muốn chat những từ “Công kích, sỉ nhục” như Nibba, nigger hay Kneeggar mà không bị ăn ban.
  • Bạn ghét Ubisoft và không muốn chết vì thi thoảng gặp bug/glitch (Truyền thống làm game của Ubisuck rồi, khó sửa lắm).

Dưới đây là một video “Honest guide” nhưng khá nghiêm túc của R6S mà tôi tìm được trên mạng và đã vietsub. Bạn nhậu có thể coi qua để có thêm một góc nhìn nữa chi tiết và khách quan hơn về cách chơi game để từ đó đánh giá quyết định mua game của mình.

Chúc các bạn nhậu có một mùa sale game và một mùa “Siege the objective” sảng khoái cùng đồng đội sắp tới của bạn!

(P/s: Nếu bạn quyết định chơi R6S, hãy bỏ chọn ngay chế độ con tin (Hostage) vì thực lòng nó là cục ung thư trong trò chơi này, rất nhiều pro không chơi con tin vì sự rác rưởi của nó)

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


14 cụng ly

  • LoW - 14.10.2018

    Bác nói đúng VL, muốn chơi game này đầu tiên là phải làm quen với việc CHẾT mà Eó bT Đc Zi3n Đ4n Nó B4y Từ ĐâU Ra


  • Hùng - 25.10.2018

    Không biết thế nào, nhưng mình nghĩ 1 phần do 1 match của R6 có quá ít round đấu (casual 5, ranked nhiều nhất là 9) đã vô tình làm cho mọi quyết định của cá nhân quan trọng hơn rất nhiều. Trong CSGO, đối mặt với tình huống 1v4 1v5 mình thấy cực kì bình thường luôn, kiểu thua round này cũng éo sao, gỡ lại round sau được. Còn R6 thì không thế; trong mấy tình huống 1 chống số đông, tim mình đập thình thịch như trống luôn, cảm giác căng thẳng hơn rất nhiều. Và cảm giác nếu clutch thành công cũng thích hơn rất nhiều nữa =))


    • Blackwood - 25.10.2018

      Đấy đúng ý mình muốn nói đó: Trong mọi round R6S mình luôn phải chịu áp lực trận đấu bởi hai phe có cơ thắng rất ngang nhau trong khi ở CSGO thì còn eco round, force buy round các thứ giúp phe này phe nọ bớt gánh nặng tâm lý rất nhiều. Mặt khác tiết tấu CS:GO nhanh hơn R6S rất nhiều nên mình không cảm nhận được hoàn toàn triệt để áp lực của nó (Trừ pro ra, chơi vì tiền mà). Cũng như bạn nói, R6S có quá ít round nên “Vận mệnh” trận đấu luôn luôn đặt nặng lên vai cả 5 người chơi 2 bên, trong khi CS:GO do tiết tấu game nhanh nên phải cương skill liên tục, clutch như cơm bữa nên mất đi sự “Kịch tính”, “Trách nhiệm” áp lực nặng nề lên lồng ngực như R6S. Cá nhân mình tuy đã clutch khá nhiều round trong CS:GO nhưng chưa bao giờ có chuyện tay mồ hôi đầm đìa, tim đập thình thịch, mắt căng cố không chớp như khi đang clutch trong R6S cả.


  • Nam - 31.10.2018

    Có rất nhiều bản R6S vậy mua bản nào hả bác ? Và nên mua DLC nào ? Cảm ơn


    • Blackwood - 31.10.2018

      Mình khuyên bạn nên mua bản Standard vì đây là bản cân bằng nhất trong việc cày cuốc. Bạn sẽ chơi dần dà các Operator cơ bản và từ đó nắm vững cơ chế game rồi từ đó lấy làm gốc để mở Operator DLC. Bạn cũng có thể mua bản Gold nhưng mình không khuyến khích vì bạn sẽ rất dễ bối dối không biết nên “Main” Operator nào. Tránh xa bản Starter ra trừ khi bạn muốn cày tiền mở OP đến trụy tim vì giá thành Operator bị đẩy lên rất cao để ép người mua hoặc cày đến kiệt sức hoặc nạp tiền mua


  • Nam - 02.11.2018

    Còn bản Rainbow Six Siege – Complete Edition giá 1 triệu 822 nghìn thì sao hả bác nó có khác bản Standard điểm nào không ? Mình không thích cày cuốc thì có nên mua luôn bản Complete ? Cảm ơn


  • Nam - 21.11.2018

    Đã mua bản Complete Edition rồi bác. Hôm trước nó có giá 1 triệu 822 nghìn nhưng hôm nay nó giảm còn 640 nghìn. Quá hời, mình mua luôn. Nếu hôm trước vội vã mua ngay thì không có giá rẻ như hôm nay. Mình nhớ câu nói của bác trong 1 bài viết ” Đừng Rush như thằng đần” ha ha ha… mình mua bản Complete chơi cho sướng. Game dung lượng lớn bác nhỉ. Gần 70 gb. Cảm ơn bác đã tư vấn rất nhiệt tình.


    • Blackwood - 22.11.2018

      Ý của mình ở điểm “Rush như thằng đần” là bạn hùng hục phi thẳng vào site trong khi không hề chuẩn bị hay biết rằng mình sẽ phải đối mặt với gì chờ đón trong đó. Những người chơi giỏi hay cẩn thận (bao gồm cả pro league) trước khi chơi “Rush B” họ luôn luôn nắm trước được đội hình địch, cách bố trí phòng thủ và vị trí của “Anchor” địch (tức ngồi thiền trong site). Chí ít họ cũng phải biết cửa phòng mà mình định vào có bẫy hay không.
      Nhưng theo thời gian càng chơi bạn sẽ càng get good trong game thôi, thậm chí là thành giáo sư. Chúc bạn may mắn và ăn hành ngon ngẻ trên chiến trường R6S


    • Đăng Bông - 25.11.2018

      Lâu rồi mới gặp bác Nam!


  • No name - 16.12.2018

    Bác nói sao chứ chỉ cần bác có 1 team TấUhAi thì cũng có thể biến con game này thành nơi toxi……tấu hài đấy


  • Luc tieu phung - 11.04.2019

    Mình chơi bằng ps4 ở chế độ terrorist hunt rồi matchmarking nhưng chờ hoài mà ko có được ai chơi cùng?


    • Blackwood - 11.04.2019

      Bạn kiểm tra xem bạn đang chơi ở server nào. Nếu là server SEAS thì người chơi tìm THunt cực kỳ hiếm, chủ yếu là đi solo play hết. Nếu bạn muốn bắn THunt xếp trận thì phải sang server EAS tức Trung Quốc. Vào mục Document giữ file nhớ của game, tìm file GameSetting trong đó, mở bằng notebook và kéo xuống dưới cùng sẽ hiện ra danh sách server game khả dụng. Bạn chọn server nào thì điền vào thay cho “Default”


    • Blackwood - 11.04.2019

      Mình không có PS4 nên không biết đổi server của máy console. Bạn có thể lên diễn đàn game hoặc tra cứu trên mạng nhưng theo mình nhớ TQ không có PS4 nên có thể bạn sẽ phải tìm server nào khác ngoài Châu Á để chơi xếp trận THunt, có thể sẽ khiến chênh ping lớn