Từ Ready Player One nhìn vào thế giới viễn tưởng

Huyền thoại ★

  

Xem Ready Player One, tôi nhớ đến một bộ phim viễn tưởng là “In time” và ngạc nhiên thay, “28 days later”. Cả hai đều là phim khoa học viễn tưởng, giống như Ready Player One, những bộ phim này gợi mở nhiều điều. Nếu cách đây 5 7 năm tôi sẽ háo hức tưởng tượng và mong đợi những bộ phim như thế thành hiện thực, thì giờ đây việc tôi nghĩ nhiều nhất lại là: liệu có thực không, những bộ phim ấy?

Tôi chưa có khả năng để nói cái gì thật cái gì không. Tuy nhiên theo vốn đọc hạn hẹp của bản thân thì tôi nhận ra rằng, các tiến bộ đột phá về khoa học thì thường không thể kiểm chứng còn các thay đổi bước ngoặt của công nghệ thì thường bị chi phối bởi những sự tình cờ. Tức là những nỗ lực để tiên đoán tương lai, tưởng tượng ra tương lai của chúng ta thường bị cản trở nhiều vào sự bất định và ngẫu nhiên, và vì thế, lối tư duy “nhân quả” (lấy quá khứ đoán tương lai) thường không đúng lắm trong các tiên đoán về tương lai.

Xã hội đã phát triển nhanh trong thời gian qua. Chỉ vài năm nữa thôi chúng ta sẽ đổ bộ lên sao Hỏa. Việc đoán định tương lai bị thu lại trong tầm nhìn 20 đến 30 năm. Liệu 20, 30 hay 50 năm nữa, những thế giới trong Ready Player One, Time hay 28 Days Later có trở thành hiện thực? Liệu sẽ có OASIS, Timekeeper hay một thế giới lầy bầy zombie? Không ai biết được, bởi vì không ai đoán được.

Khả năng là không có điều nào ở trên thành sự thật trong tương lai. Bởi vì chúng quá dễ đoán. Con người luôn cố gắng tìm kiếm các hình mẫu “pattern” từ các “noise” để dự đoán tương lai, nhưng tương lai chưa bao giờ nằm trong tay loài người. Một thống kê các biến đổi lịch sử đã chỉ ra rằng các thay đổi lớn trong xã hội loài người đến từ sự ngẫu nhiên nhiều hơn là sự đi lên từ các “pattern”. Tương lai của chúng ta sẽ kì lạ, khó hiểu hoặc ngược lại 100%, sẽ đơn giản trần trụi hơn bất cứ thế giới tưởng tượng nào của chúng ta hiện nay.

Tuy các thế giới tưởng tượng (trong sách báo, phim ảnh, game) không thật sự có ích trong việc dự đoán tương lai, nó có một tác dụng khác trong việc quan sát phản ứng của loài người trước những thay đổi không ngừng. Tính nhân bản của con người sẽ đi chậm hơn sự phát triển của khoa học công nghệ, và vì thế, luôn cần thời gian để thích ứng. Trong các thế giới tưởng tượng chúng ta luôn thấy các nhân vật chính cố gắng tìm kiếm (hoặc bảo vệ) các giá trị nhân bản của loài người. Đó có thể là cảm xúc, là ý tưởng, là mộng ước… Liệu đó có phải là lời cảnh báo sớm đến tính nhân văn con người, rằng hãy nghĩ đi và chuẩn bị kĩ càng vào, tương lai sẽ khắc nghiệt lắm đấy?

Ảo hay thật, tưởng tượng hay thực tế, đó chỉ là một khái niệm, một ý tưởng tự suy của con người. Đôi khi chúng ta xem một bộ phim không cần thông điệp, đơn giản là ta vui. Điều này làm tôi suy nghĩ: có lẽ nào cái vui ấy cũng là ảo, là tưởng tượng, là mô phỏng của một cái gì đó, là chuẩn bị cho một kế hoạch gì đó, to lớn hơn vĩ đại hơn, mà Chúa đã sắp đặt cho loài người.

Viết sau khi đọc bài này: https://www.nature.com/articles/d41586-017-08674-8

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • - 03.04.2018

    Giờ nghĩ lại vẫn thấy thích bộ intime bác ạ =))


  • Chúa - 30.03.2020

    Ta nhắc lại nhé, ta không sắp đặt gì cho nhân loại cả. Ta tạo ra nhân loại để cho nó thích làm gì làm, vậy thôi. Ta còn bao nhiêu thiên hà chưa lo xong, hơi đâu mà vẽ kế hoạch cho bây đi theo?