Tựa game hay nhất mọi thời đại là gì, và tại sao nó lại là Portal 2?

Chủ xị

  

Bài viết có chứa chi tiết nội dung cốt truyện của tựa game Portal và Portal 2.

Lúc mới tập tành tìm hiểu game, tui khá tò mò về dòng game Portal. Kiểu như, từ đó tới giờ cái dòng game giải đố luôn kén người chơi, nhưng sao một game giải đố góc nhìn thứ nhất lại được nhiều người yêu thích tới vậy? Tới khi chơi xong mới nhận ra, vì Portal không phải là “game giải đố”, nó là hiện thân của nghệ thuật. Mà nghệ thuật là ánh trăng lừa dối. Portal là một cú lừa đầy thú vị.

Tóm tắt phần đầu

Trong phần đầu, Chell tỉnh giấc trong một căn phòng nhỏ, tồi tàn, và người chơi cũng chưa hề hay biết mình đang ở đâu hay mục đích của mình là gì cả. Khoảng thời gian một phút mà tựa game đưa ra cho người chơi cho phép họ tìm hiểu khung cảnh xung quanh mình, và cộng thêm với việc một giọng nói máy móc cất lên làm người chơi hiểu ngay rằng họ là một đối tượng thí nghiệm cho một dự án khoa học gì đó. Được thôi, thí nghiệm thì thí nghiệm. Nhưng càng về sau, người chơi – Chell – nhanh chóng nhận ra mình đang trong nguy hiểm tột bậc. Những lời hứa về “bánh ngọt” thực chất chỉ là nói dối! Và ngay khi kết thúc phòng thử nghiệm số 19, Chell bị đẩy vào một chiếc lò đang cháy phừng phừng.

Tuy nhiên, với cây súng Portal trong tay, trò chơi không thể kết thúc một cách chóng vánh như vậy được. Chell thoát được khỏi biển lửa, và GLaDOS, không lường trước được điều này, liên tục thuyết phục Chell rằng cô đang đi sai đường, và gọi cô quay lại để GLaDOS tạ lỗi. Dĩ nhiên, Chell vẫn đi đúng đường, và cuối cùng, cô tìm đến được căn phòng nơi GLaDOS đang ở. Cô phải một mình tiêu diệt GLaDOS bằng cách tháo từng lõi nhân cách của GLaDOS ra và ném nó vào lò đốt. Kết cục là GLaDOS bị vỡ ra thành nhiều mảnh và bị hút lên trên mặt đất, kéo theo Chell.

Màn hình chuyển sang một màu trắng xóa, và khi lấy lại được tầm nhìn, Chell nhận ra mình đang nằm trên mặt đất, nhưng không thể di chuyển được. Ngay trước mặt cô là bộ khung bất động của GLaDOS. Chell bị một robot của Aperture kéo lại vào trung tâm thí nghiệm và Portal kết thúc với một bài hát, mà đến bây giờ vẫn là một trong những bài hát hay nhất trong một trò chơi điện tử: “Still Alive”.

Sự vượt trội của Portal 2

Điều xuất sắc nhất của Portal 2 là Valve hiểu được người chơi thích gì ở phần đầu, và họ giữ lại những gì tinh túy nhất đó, và hoàn thiện nó đến mức tuyệt vời nhất có thể. Chỉ riêng về đồ họa, trò chơi đã ăn đứt hàng loạt những game hiện nay, và xin nhắc lại là Portal 2 được phát hành năm 2011. Lợi thế về đồ họa ấn tượng đã tô điểm thêm cho cách mà trò chơi dẫn dắt người chơi qua câu chuyện của nó. Món quà tuyệt vời nhất mà Portal đã dành cho những người chơi thiếu kiên nhẫn là trò chơi gần như không có cutscene cố định nào. Mọi phân cảnh quan trọng với cốt truyện gần như hoàn toàn cho phép người chơi điều khiển Chell theo ý muốn của mình, chứ không bị gò bó trong khuôn khổ của một đoạn phim ngắn như những game AAA thường thấy.

Portal 2 cũng kết hợp phương thức kể chuyện của mình vào trong khung cảnh của trò chơi. Nếu như trong phần đầu, các thiết bị thử nghiệm đều theo một trật tự nhất định và tương đối quy củ (tuy có phần hơi mất vệ sinh và kém an toàn, nhưng Aperture mà, có cái gì là an toàn đâu), thì phần 2 là một mớ đổ nát hoàn toàn, làm người chơi hiểu ngay rằng khu vực thử nghiệm đã bị bỏ hoang từ rất, rất lâu rồi. Hàng loạt những cây dại phủ kín mọi ngóc ngách, những tấm pa-nô mục nát, những tấm kính vỡ, cửa điện chập chờn, sàn nhà đọng nước… những chi tiết mà Portal 2 lồng ghép trong khung cảnh của mình giúp người chơi hiểu được sự cách biệt về thời gian giữa hai phần game.

Hơn nữa, sự hiện diện càng ngày càng rõ hơn của nhân vật Doug Rattmann cũng được miêu tả qua những bức họa nguệch ngoạc mà ông vẽ đầy những khu vực nhất định trong khu vực thí nghiệm làm rõ hơn vai trò của Chell trong việc tiêu diệt GLaDOS, hay rộng hơn là vai trò của Chell với Aperture Science.

GLaDOS giữa khung cảnh đổ nát của Aperture Science sau nhiều năm bỏ hoang.

Còn về những câu thoại truyền thống, thì trò chơi kết hợp những câu thoại với gameplay, nên người chơi rất khó chán nản. Ví dụ: Trong phân cảnh đầu, Valve rõ ràng có thể làm một cutscene ngắn, cho Chell và Wheatley tự tương tác với nhau như hai con robot. Nhưng, Valve cho phép người chơi đóng vai Chell và tương tác với Wheatley một cách chân thật. Chỉ với chi tiết nhỏ là Chell phải bước ra cửa và mở cửa (hay nói đúng hơn là đứng cạnh cửa) để Wheatley “đu” vào, Valve đã làm cho ấn tượng ban đầu của người chơi thực sự… ấn tượng. Sự tự do điều khiển nhân vật của mình trong gần như mọi khoảnh khắc trong game đã góp phần giúp người chơi hòa mình vào thế giới của Portal 2.

Một ghi chú nhỏ về sự hài hước của Portal 2: phải nói là Portal 2 làm khoản này cực kì tốt. Trong khi Wheatley làm người chơi bật cười bởi cách nói chuyện “geeky” và chất giọng Anh xuất sắc…

“Now you’ve been under for… quite a lot longer, and it’s not out of the question that you might have a very minor case of serious brain damage.”

… thì GLaDOS lại làm ấn tượng người chơi bởi sự đanh đá của cô ả khi nói về Chell.

“Well done. Here come the test results: You are a horrible person. I’m serious, that’s what it says: A horrible person. We weren’t even testing for that.”

Cave Johnson thì lại có cách nói chuyện riêng của mình, lớn tiếng, có phần hách dịch song lại có vẻ như chẳng quan tâm gì mấy đến sinh mạng của những đối tượng thí nghiệm trong Aperture. Johnson làm những việc quan trọng đến tính mạng đơn giản đến mức người chơi không thể không mỉm cười.

If you’ve cut yourself at all in the course of these tests, you might have noticed that your blood is pure gasoline. That’s normal. We’ve been shooting you with an invisible laser that’s supposed to turn blood into gasoline, so all that means is, it’s working.

Nếu đã nói đến Wheatley, thì ắt hẳn không thể nào bỏ qua vai trò của người lồng tiếng cho anh ta, Stephen Merchant, một diễn viên hài nổi tiếng người Anh. Và thực sự, chất giọng của Merchant như được sinh ra để lồng tiếng cho Wheatley vậy. Nếu có một giải Oscar được tổ chức cho game, tui nghĩ phải đúc 9 bức tượng vàng để phát cho Merchant khi anh ẵm giải “Diễn viên lồng tiếng xuất sắc nhất trong một trò chơi điện tử” suốt 9 năm liền. Chất giọng Anh dễ chịu song có phần hơi “nerdy” hợp với nhân vật Wheatley một cách hoàn hảo, và xuyên suốt mạch game, chưa bao giờ màn trình diễn của Merchant làm tui thất vọng.

Cả trước lẫn sau “bất ngờ” trong cốt truyện, Wheatley luôn có cho mình một chất giọng phù hợp với từng tình huống. Như khi đang giúp Chell thoát khỏi đống đổ nát của Aperture, thì Wheatley là một cộng sự, không mấy hài hước cũng chẳng thông minh lắm, nhưng vẫn là một người bạn luôn luôn đồng hành với Chell. Trong giai đoạn này, giọng của Wheatley rất… bình thường, thật luôn! Wheatley gần như là một người bạn của Chell, lâu lâu thích độc thoại nhưng luôn luôn làm người chơi phải phì cười vì sự ngớ ngẩn của anh chàng.

Nhưng khi lên điều hành toàn bộ Aperture, thái độ của Wheatley thay đổi. Nhưng không phải theo kiểu “từ tốt thành ác” cái rẹt như mấy kẻ xấu trong phim Disney. Mà ngay cả khi phản bội Chell, chất giọng và thái độ của Wheatley thực sự toát lên cái vẻ của một người tốt bị quyền lực biến đổi thành kẻ xấu, nhưng bản chất của Wheatley chỉ có ngốc nghếch chứ không thực sự tà ác. Nói ngắn gọn là, Wheatley là một người tốt không biết làm kẻ xấu, nhưng vẫn trở thành kẻ xấu. Một kẻ xấu nhưng bản chất vẫn là tốt.

Là thế này này…

Có nhiều phân cảnh mà Portal 2 sắp xếp để người chơi tiếp tục cốt truyện một cách rất tài tình. Như khi Chell và Wheatley mới tìm được căn phòng mà GLaDOS (lúc này còn đang tắt điện) đang cư ngụ. Wheatley hoảng loạn nhanh chóng, nhưng cũng ngay lập tức lấy được bình tĩnh (tuy thực sự vẫn hoảng loạn kinh khủng) và trấn an Chell (đúng ra là chỉ trấn an mình ổng) rằng GLaDOS đã tắt rồi, không sao, thoải mái đi qua. Hai nhân vật của chúng ta sau đó tìm thấy một căn phòng biết bao nhiêu là công tắc, và chỉ cần tìm thấy công tắc có ghi “Escape Pod” là xem như phá đảo về nước ngon ơ.


Nhưng, căn phòng đó lại hơi tối, và Chell gắn Wheatley vào một công tắc gần đó để Wheatley kích hoạt đèn. Đơn giản, dễ hiểu, ô kê. Nhưng khi Wheatley loay hoay tìm kiếm, anh ta lại kích hoạt chiếc bục mà mình vừa được cắm vào, đẩy nó lên cao, vừa kích hoạt mọi chiếc công tắc trong phòng, vừa đẩy cả hai nhân vật lên nơi GLaDOS đang tắt. Và ngay khi lên đến mặt đất, thứ đầu tiên đập vào mắt Chell là cả thân xác của GLaDOS đang từ từ rùng mình sống lại bằng những công tắc mà Wheatley vừa mới bật. Người chơi không thể nào không cảm thấy tim mình như nghẹn lại khi GLaDOS đang sống lại trước mặt mình mà mình lại không thể làm gì để ngăn cản. Và hơn nữa, đây không phải là một cutscene; người chơi hoàn toàn có thể điều khiển nhân vật của mình (cho đến khi bị GLaDOS tóm), nhưng họ vẫn bất lực trước việc GLaDOS đang sống lại và nắm toàn quyền Aperture.

Tới lúc này, có thể thống nhất được là câu chuyện của Portal được kể qua câu thoại và gameplay. Điều này được thể hiện rõ nhất trong phân đoạn sau The Fall, khi cả Chell và GLaDOS đều rơi xuống một cái hố tưởng chừng như không đáy, nhưng khi chạm đến đáy rồi cả hai mới nhận ra đây là tàn tích của một Aperture cũ của những năm 1960. Và ở đây, người chơi lần đầu tiếp xúc với một nhân vật quan trọng với lịch sử của Portal: Cave Johnson. Với sự giới thiệu của Cave Johnson, cách kể chuyện của Portal 2 có một chút thay đổi. Tuy vẫn để môi trường kể chuyện là chủ yếu, câu thoại của Cave Johnson tương đối dài và có chứa nhiều thông tin hữu ích cho những người chơi thích tìm hiểu về cốt truyện của game, nhưng không thực sự quá hữu ích cho việc giải đố.

Nói vậy không có nghĩa là phân đoạn này dở – nó hay tuyệt là đằng khác. J. K. Simmons – nổi tiếng với vai diễn ông chủ tòa soạn khó tính J. Jonah Jameson – có một màn trình diễn xuất thần trong Portal 2, với vai Cave Johnson. Chính sự dẫn dắt của những câu thoại của ông đã làm cho hành trình giải những thử nghiệm trong Aperture của những năm 60 thêm phần thú vị. Hơn nữa, ngoài việc giới thiệu cho người chơi một Aperture hoàn toàn khác, phân đoạn này còn kể được câu chuyện của Cave Johnson với cương vị là chủ tịch Aperture – một kẻ điên cuồng bởi sự tiến bộ – và hành trình dẫn đến cái chết của ông, và ảnh hưởng của nó đến việc tạo ra GLaDOS (Her name is Caroline!).


Cave Johnson cùng thư kí, Caroline.

Về mặt gameplay thì miễn bàn, Valve đã tô điểm và làm mới gameplay của mình bằng hàng loạt những bổ sung thú vị cho cơ chế của Portal. Nếu xét ra thì, Portal 2 có lợi thế là bản thân nó là một game puzzle chứ không thiên về chiến đấu. Các dòng game góc nhìn thứ nhất thông thường chủ yếu có điểm nhấn từ những giây phút trong combat, và đôi khi một số khái niệm mới sẽ được thêm vào để làm mới mẻ trải nghiệm của người chơi. Như trong Halo thì ban đầu người chơi sẽ được dùng xe Warthog, và về sau được lái cả xe tăng Scorpion, dùng súng phóng tên lửa Jackhammer, v.v. Nhưng những yếu tố đó chỉ dừng lại ở chữ “phương tiện”.

Là một game giải đố, Portal 2 có khả năng khai thác những yếu tố mà mình giới thiệu ra và liên tục đòi hỏi người chơi phải suy nghĩ một cách sáng tạo – “outside The Orange Box” – mới có thể giải quyết được những câu đố mà trò chơi đưa ra. Ví dụ như việc Repulsion Gel (gel màu xanh dương) không chỉ có tác dụng làm người chơi nhảy cao hơn mà còn có thể làm các vật thể khác nhảy lung tung khắp mọi nơi. Và còn hay ho hơn khi người chơi phát hiện ra rằng các loại gel có thể được chuyển đi bằng cách dùng Excursion Funnel, một cơ chế mới (và có thể là cơ chế đẹp mắt nhất trong Portal từ trước giờ). Nghe miêu tả là vậy, nhưng thực chất việc sử dụng các yếu tố mới này cực kì đơn giản, và người chơi chỉ cần động não một chút là có thể giải quyết những câu đố của Portal 2 rất nhanh chóng. Đơn giản, dễ tiếp cận, song lại bóng bẩy về mặt hình thức; đó là tóm tắt của mọi câu đố của Portal 2.

Tạm kết

Portal 2 rõ ràng đã gây một ấn tượng khó có thể vượt qua được trong lòng hàng triệu game thủ trên thế giới, và những đánh giá lẫn các giải thưởng mà trò chơi nhận được rõ ràng chỉ tăng thêm sự chính xác của những khẳng định này.

Thế nhưng Valve lại đi làm game thẻ bài…

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


3 cụng ly