Vampire: The Masquerade – Bloodlines, bạn có thích ma cà rồng không?

Khách quen

  

Từ cuối Tết đến giờ, lâu lắm tôi mới có dịp mò lên đây để khai bút, tất nhiên là hầu hết các nội dung mới của quán beer vẫn được tôi cập nhật đầy đủ, nhìn những tay bút mới chia sẻ những câu chuyện về game của họ trên HSBT khiến bản thân cảm thấy hơi “ngứa ngáy”. À… tất nhiên là không theo hướng tiêu cực, ý  là những thay đổi này thật sự thúc đẩy tôi quay lại đóng góp thêm cho web cũng như chia sẻ những mẩu chuyện nhỏ về thế giới game rộng lớn. Không lằng nhằng nữa, viết vài dòng lung tung cho nó xong phần chào hỏi thôi, giờ chúng ta sẽ cùng đi vào câu chuyện ngày hôm nay nhé. Một câu chuyện đẫm máu và… thôi sến quá, nói nhanh là hôm nay đánh giá về Vampire: The Masquerade – Bloodlines đi!

Kết quả hình ảnh cho Tim Cain, Leonard boyarsky and Jason Anderson

Bộ ba Leonard Boyarsky, Tim Cain và Jason D Anderson

Đôi chút về Troika Games

Vampire: The Masquerade – Bloodlines hay VTMB cho ngắn gọn là một tựa game Action RPG được phát triển bởi Troika games. Troika games được đồng sáng lập bởi ba cá nhân tài năng: Tim Cain, Jason Anderson, Leonard Boyarsky. Trước khi cùng nhau gây dựng nên Troika Games họ cũng đã cùng góp mặt tại những vai trò quan trọng cho sự ra đời của những siêu phẩm CRPG đình đám như Fallout và Fallout 2.

Vào năm 1997 do có những bất đồng quan điểm với Interplay, công ty mà họ đang làm việc, cả ba quyết định dừng hành trình tại đây đồng thời lập hướng đi mới. Ít lâu sau cả ba thành lập một công ty của riêng họ, một công ty mang những kỳ vọng về một Interplay trong quá khứ. Troika bắt đầu hoạt động từ những năm 1998 đến cuối 2004 và trình hàng được ba game trong đó có hai siểu phẩm và một bom xịt. Arcanum: Of Steamworks and Magick Obscura là sản phẩm đầu tiên của họ, game thật sự quá tuyệt vời, với ý tưởng đi trước thời đại về một thế giới fantasy crossover với phong cách steampunk, một sự hòa hợp nhuần nhuyễn giữa ma thuật và công nghệ, sở hữu storyline cuốn hút và plot tuyệt vời, tuy nhiên đáng buồn thay vào ngày ra mắt, game bị critic đập tơi tả vì lý do game không mượt và hệ thống combat có vấn đề (họ vẫn đang phê pha Diablo 2?). Khoảng một thời gian sau Troika có làm thêm một game CRPG nữa là The Temple of Elemental Evil nhưng lại thất bại sâu cay, đồng thời lúc này thì họ cũng đang sản xuất một game Action RPG cho Activison, sử dụng source engine đời đầu và đó chính là VTMB. Game rất tuyệt vời, nhưng có vẻ như may mắn không muốn nhe rằng cười với Troika Games. Vì một vài lý do về thời gian xuất bản do Activison giục giã quá nhiều, VTMB ra đời với tình trạng “đẻ non” và bị underrated rồi lãng quên từ đó đến nay. Sau VTMB do không tìm được đủ kinh phí hỗ trợ cho các dự án tương lai, công ty chính thức đóng cửa vào ngày 24 tháng Hai năm 2005. Sau đó bộ ba “one of any kind” tan rã và đều có những thành công riêng như Jason và Wasteland 2, Leonard Boyarsky với Diablo 3 và gần đây Leonard và Tim Cain lại cùng nhau sát cách trong siêu phẩm sắp ra mắt the Outer World.

Nhân vật thức dậy sau một đêm… và thấy mình là ma cà rồng

Tổng quát về Vampire: The Masquerade – Bloodlines

Là một game Action RPG lấy bối cảnh về ma cà rồng sống trong một thế giới hiện đại khoảng đầu những năm 2000, nơi những truyền thuyết huyền bí rời xa những cánh rừng và làng mạc hẻo lánh, hòa vào với đời sống tấp nập nơi đô thị. VTMB đem đến cho người chơi hai góc nhìn, góc thứ nhất và góc thứ ba, một hệ thống combat truyền thống của Western game, ý tưởng về công nghệ hòa lẫn với phép thuật lần nữa được Troika đem trở lại trong sản phẩm này của mình. Việc sử dụng source engine đem đến cho Troika những khen ngợi về đồ họa, âm thanh và hiệu ứng vật lý tuy nhiên game cũng có rất nhiều bug điển hình. Cho đến nay bất chấp sự thăng trầm của tựa game và nhà sản xuất VTMB vẫn luôn được nhắc đến với những danh hiệu là một trong những game RPG hay nhất, game về ma cà rồng hay nhất, game có ý tưởng đi trước thời đại (2000s).

Về nội dung VTMB đem đến một câu chuyện cũ như thế giới, câu chuyện về những sinh vật của bóng đêm, ma sói, thây ma, cương thi, yêu quái Nhật Bản… và tất nhiên là ma cà rồng, những Kindred, hay Cainite (lore của VTMB cho rằng Cain là ma cà rồng đầu tiên, là kẻ mạnh nhất hứng lời nguyền của Chúa phải muôn đời đi hút máu con cháu mình). Nhân vật chính của chúng ta trở thành ma cà rồng theo một nghi lễ truyền máu gọi là embrace, một ma cà rồng chọn đệ tử hay người bạn đồng hành của mình từ những phàm nhân qua nghi lễ này, sau khi nghi lễ kết thúc phàm nhân kia sẽ trở thành ma cà rồng và gọi kẻ biến đổi mình là Sire. Đa phần những nghi lễ này được thiết lập khi một clan trong xã hội Kindred muốn ra tăng số lượng thành viên, và nghi lễ được thực thi bởi những bô lão hoặc thành viên có kinh nghiệm trong clan. Mỗi clan đều có những đặc trưng tính cách cũng như sức mạnh và điểm yếu khác nhau. Trong VTMB có 13 clans được nhắc đến tuy nhiên bạn chỉ được chọn 7 trong 13 clans đó để tạo nhân vật.

Giới thiệu qua về 7 clans trong game

Kết quả hình ảnh cho Vampire bloodline clan

Brujah: Những chiến binh đấu tranh về một xã hội công bằng lý tưởng (ít nhất là họ nghĩ thế) đa phần là những kẻ có cá tính mạnh, những chiến binh bẩm sinh, dễ nổi nóng và gây chiến… well những kẻ “xôi thịt” thích bàn chính trị. Họ xuất hiện khá nhiều trong các cuộc chiến tranh giành độc lập trong quá khứ.

Gangrel: Những chú sói đơn độc, hòa hợp với thiên nhiên bản tính hoang dã phóng khoáng, éo quan tâm chính trị , và có rận, dễ bị hóa điên và trở thành những cỗ máy giết chóc cực bá đạo.

Malkavian: Những bộ óc điên loạn thú vị, những triệu phú bẩm sinh, thành viên clan này thường mắc một hoặc nhiều chứng tầm thần khác nhau, hình mẫu của những kẻ mắc chứng APD nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn đến người khác và thường ngồi ở những vị trí cao trong xã hội. Malkavian có thể lấy thông tin hữu ích từ mọi cuộc hội thoại, bản tin trên TV, v.v… Họ thậm chí còn có thể nói chuyện với biển báo. Lời khuyên đừng chơi clan này ở lần chơi đầu vì bọn này làm game bị broken và bạn sẽ bị “bội thực” thông tin.

Nosferatu: Những kẻ săn tin siêu đẳng, Nosferatu sở hữu nguồn lực mạnh mẽ nhất trong thế giới hiện đại – thông tin. Mọi clan đều phải bắt tay với Nosferatu chỉ để sở hữu thông tin. Những kẻ này luồn lách qua những ngóc ngách đen tối nơi cống ngầm, nghịch ngợm với công nghệ thông tin, và thưởng thức những thú vui bẩn bựa là biến những người mẫu diễn viên xinh đẹp nổi tiếng trở thành những Nosferatu mới… à thêm vào là bọn này nhìn rất tởm và không được phép đi lại bình thường nơi đèn đường chiếu rọi. Đừng chơi ở lần chơi đầu nếu bạn ghét stealth.

Toreado: Những kẻ quyến rũ, sử dụng mỹ nhân kế để thao túng kẻ khác, chẳng có từ nào để miêu tả chúng ngoài dangerous slut, thành viên của Toreado có xu hướng sống hòa hợp hơn với con người và giữ phần thú ở mức độ thấp nhất có thể.

Tremere: Những pháp sư máu quyền năng, giỏi ma thuật nhưng song hành với thể trạng que tăm, các Tremere rất yếu nếu nói về việc đánh lộn và chịu đòn, nhưng ai cần cơ bắp nếu bạn có thể ném hỏa cầu chứ.

Venture: Những chính trị gia, thường xuất thân từ những gia đình quý tộc, khả năng thiên phú là lãnh đạo cũng như thao túng người khác.

Như trên là những mô tả ngắn gọn về từng clan, tôi sẽ không giới thiệu về kĩ năng và điểm yếu vì như thế sẽ mất hết sự hấp dẫn khi chơi, giờ tôi sẽ chuyển sang phần đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của game.

Ưu điểm

Tính nhập vai của game

Phải rồi nếu chơi RPG game mà không nhập vai thì chơi RPG làm gì? Vậy VTMB đã cho chúng ta nhập vai thế nào? Điều đầu tiên tôi muốn nhắc đến ở đây chính là việc Troika xử lý chủ đề của họ, họ chọn ma cà rồng, một đề tài màu mỡ để xây dựng, một phần là những năm 2004 ma cà rồng nó vẫn là một cái gì đó rất quấn hút với giới trẻ từ vẻ ngoài quyến rũ, phong cách phóng khoáng, hay tính khát máu hoang dại, tuy nhiên chúng hầu hết đều được khai thác chủ yếu qua điện ảnh và tiểu thuyết, nhưng đề tài nào bị khai thác nhiều cũng sẽ trở nên nhạt nhẽo theo thời gian, không còn điểm nhấn mới mẻ nữa thậm chí ma cà rồng vốn là để làm phim kinh dị, khi không ai còn thấy sợ nữa thì trở thành những phim hành động rẻ tiền hóa thậm chí là ngôn tình. Vậy còn game thì sao? Với hình thức giải trí tương tác, chủ đề ma cà rồng cũng đã được khai thác và làm nên những tuyệt phẩm từ rất sớm rồi với Legacy of Kain trên hệ PS1 hay Bloodrayne.

Dù những game này thật sự hay nhưng ấn tượng mà những tựa game này để lại trong chúng ta thường sẽ ăn điểm ở gameplay hoặc cách thiết kế màn chơi, chứ không phải ở việc lựa chọn chủ đề, game vẫn hay dù nhân vật chính có phải ma cà rồng hay nói về ma cà rồng hay không, tất nhiên là Bloodrayne làm ấn tượng hơn chút về đặc điểm này. Đặc điểm chung nữa là hai game này đều là game action hay hack n slash, hmm… thế tại sao người ta không làm game RPG về ma cà rồng nhỉ? Câu trả lời là ma cà rồng vẫn xuất hiện liên tục trong các game RPG với vai trò như một faction hay kẻ thù nhưng tất nhiên chúng chẳng có điểm nhấn gì cả, vẫn toàn những truyền thuyết cũ rích gắn kết vào với nhau, ma cà rồng nào cũng giống ma cà rồng nào blah blah. Tất nhiên điều này không ngăn cản đội ngũ dev của Troika chọn chủ đề này và thành công. Họ xây dựng lên một thế giới nơi ma cà rồng sống lẫn với con người tại nơi đô thị tấp nập, hòa hợp yếu tố hiện đại và truyền thuyết, họ chọn lựa khéo léo xem đặc điểm đặc trưng nào nên để lại, cái gì nên bỏ đi và sáng tạo ở đâu để câu chuyện bớt tính sến sẩm mà vẫn quen thuộc. Một vài ví dụ điển hình là khi chơi game tôi nhớ lại đến những phim như The Lost Boys (1987), Interview with The Vampire (1994), Nosferatu (1922)… cùng lúc đem đến những điều mới lạ như một xã hội ma cà rồng được tổ chức ra sao cũng như sự đa dạng của từng loại ma cà rồng trong cái xã hội ấy, và hơn nữa trải nghiệm của chúng ta ra sao khi nhập vai những kẻ hút máu này.


Tiếp theo tính nhập vai còn được làm rất tốt qua mô hình xây dựng một “nhân vật không tên”, VTMB vẫn giữ cách tạo nhân vật qua những câu hỏi, một cách tạo nhân vật điển hình của những game RPG cũ, một món khai vị cho bữa tiệc nhập vai khi người chơi quyết định mình sẽ là ai trong thế giới giả tưởng đó bằng cách thể hiện quan điểm và ước muốn của mình qua những câu hỏi trắc nghiệm.

Tính đa dạng như đã nói ở trên cũng làm game trở nên dễ nhập vai hơn và có tính chơi lại cao, khi chơi một game RPG chúng ta trước hết phải nhìn đến sự đa dạng của từng class nhân vật, cơ bản nhất là đa dạng ngoại hình sau đó đến thông số và kĩ năng, xa hơn là sự khác biệt trong gameplay và quest cuối cùng là đa dạng trong lựa chọn. Và VTMB đã đáp ứng được tất cả những điều trên, bên cạnh đó tính immersive cũng được khai thác rất mạnh mẽ. Bạn có ít nhất hai cách để tiếp cận một địa điểm trong game, ít nhất hai cách để hoàn thành một nhiệm vụ hay giải quyết các vấn đề, bên cạnh đó game cũng mang đến nhiều lựa chọn và quyết định ảnh hưởng đến số phận của các NPC mỗi lần chơi lại tôi lại thấy thêm những điều mới, thật sự đấy chơi hai lần mà tôi vẫn thấy bất ngờ.

Sự chi tiết, đúng vậy Troika Games đã tập trung vào rất nhiều những điều nhỏ nhặt đời thường để tạo nên VTMB, từ việc xem tin tức trên các phương tiện truyền thông trong game (TV và báo sẽ đưa tin tất những sự kiện có liên quan đến kết quả một nhiệm vụ gần đây của bạn, cái này gần giống với cáo thị trong Thief 3).

Điều này đơn giản là tăng cảm nhận về sự tương tác giữa nhân vật và môi trường xung quanh, dù bạn vào hộp đêm xem erotic dance hay lên sàn nhảy, thao tác với máy tính, hay tìm sự hài hước trong lời thoại. Game không hề cung cấp bản đồ cầm tay nhân vật hoàn toàn định hướng bằng cách đọc map trên biển báo công cộng rồi ghi nhớ, người chơi phải thường xuyên kiếm ăn một cách cẩn thận để bảo vệ bí mật của đồng loại theo đạo luật ma cà rồng “The Masquerade” cũng như giữ gìn chút nhân tính còn xót lại. Chính sự chi tiết này phần nào đã giúp cho thế giới trong game cũng như trải nghiệm của người chơi thêm phần sống động, chân thực.

Hệ thống nhiệm vụ

Các nhiệm vụ trong VTMB rất ít khi lặp lại và điều này khiến game giữ sức nóng cho đến giây cuối. Người chơi sẽ không bắt gặp những kiểu nhiệm vụ như làm một cái gì đó trong một số lần quy định như kiểu mấy cái quest cày kéo, không loanh quanh qua lại mấy cái dungeon có thiết kế trùng lặp, không có quest yêu cầu giết đi giết lại một dạng kẻ thù cố định, lấy ví dụ cho dễ hiểu cho kiểu nhiệm vụ này là bạn đã chán săn thú hay ám sát thủ lĩnh kiểu Far Cry 3 chưa?? hay như Skyrim và cái DLC phát mệt Dawnguard hay… hái rau hái nấm trong game nào đó? VTMB mang đến cho bạn những nhiệm vụ có tính liên kết, chúng được thiết kế một cách tỉ mỉ về mặt nội dung sao cho liên quan mật thiết đến cốt truyện và có logic, những nhiệm vụ khiến bạn hồi hộp mang đậm tính trinh thám, phải suy nghĩ và ghi chép xâu chuỗi và đưa ra hướng giải quyết hợp lý. Ví dụ như nhiệm vụ tìm manh mối về hiện tượng Thin Blood hay theo đuôi kẻ giết người hàng loạt ở Santa Monica Pier.


Cách người chơi nhận nhiệm vụ cũng rất tự nhiên, đôi khi chỉ là lục lọi email trong máy tính của ai đó và bỗng tìm ra manh mối hữu ích cho một quest tưởng như tịt cứng hay nghe đài xem TV đọc báo rồi biết mình phải làm gì. Tóm lại game không giao những nhiệm vụ ăn sẵn chỉ đâu đánh đó mà là những nhiệm vụ đòi hỏi khả năng tư duy cũng như vận dụng hội thoại tốt.

Những thông số cơ bản và hệ thống combat

Những điểm kĩ năng được kiếm bằng cách hoàn thành nhiệm vụ chứ không phải từ giết chóc, thế nên không có chuyện farming đâu nhé. Game cho bạn rất nhiều sự lựa chọn để đầu tư và lượng kinh nghiệm hợp lý build nhân vật theo ý muốn chứ không bị gói gọn bởi việc chọn clan ban đầu, mỗi thông số bạn lựa chọn còn sẽ giúp người chơi tương tác sâu hơn với môi trường xung quanh. Bạn muốn hack máy tính giỏi hơn hãy đầu tư nhiều vào trí não hoặc công nghệ, bạn muốn hấp dẫn các NPC để dễ kiếm ăn hãy đầu tư vào vẻ bề ngoài và khả năng thao túng, đầu tư vào khả năng dọa nạt để dọa những NPC cứng đầu hay dùng khả năng thuyết phục để dụ dỗ họ, thậm chí điểm strength cao sẽ giúp bạn nâng những vật nặng hơn, điểm nhận thức và điều tra giúp bạn thấy được những hidden objects dễ dàng hơn.

Về hệ thống combat của game cũng được làm khá hay, từ những đòn thế đa dạng được thi triển theo công thức “chọn hướng di chuyển rồi bấm chuột” cho đến những màn đọ súng kịch liệt, người chơi sẽ phải vận dụng hài hòa giữa yếu tố vật lý và ma thuật để có thể đánh thắng được kẻ địch.

Kill Bill ver Vampire

Đồ họa, âm thanh, hiệu ứng và không khí game

Xét về atmosphere của VTMB thì không cần phải nói nhiều, game đặt chúng ta vào một thế giới u ám, chìm trong bóng tối, với những tòa cao ốc chọc trời, những khu biệt thự hẻo lánh ghê rợn, hay đơn giản là dạo bước dưới cơn mưa nặng hạt gần bờ biển, tất cả đều được làm một cách trau chuốt dùng source engine, từ cách mặt nước rung động, hiệu ứng đổ bóng hay những chi tiết nhỏ như trang phục, tóc, cử chỉ khuôn mặt đều rất sống động. Bạn sẽ thấy mình mấy phút trước đang quẩy rất hăng tại một night club chỉ để rồi thót tim khi thấy mình trong một ngôi nhà ma ám.

Tiếp đến là phần âm thanh, VTMB sở hữu những soundtrack gây nghiện và fit với bối cảnh game một cách không thể hoàn hảo hơn, từ những đoạn nhạc rock metal hoang dã đến những giai điệu điện tử hiện đại, những tiếng động đầy ghê rợn, hay giai điệu khiến người chơi sởn gai ốc. Công đoạn thu âm cho nhân vật cũng được làm rất tốt với sự góp mặt của những voice actor tài năng giúp tạo điểm nhấn cho nhân vật.

Về nội dung và plot

VTMB đem đến một câu chuyện thật sự ấn tượng, phối hợp hài hòa giữa lối kể chuyện thông thường bao gồm cắt cảnh và hội thoại với lối kể chuyện thông qua môi trường xung quanh. Để miêu tả thế giới ngầm của những sinh vật bóng đêm tôi nghĩ dùng ba từ “bạo lực”, “dục vọng”, “thao túng” là chuẩn nhất. Một xã hội suy đồi với những âm mưu chồng chéo nhau, những góc tối nhất của con người đều được khai thác rất chân thực qua góc nhìn của một ma cà rồng. Khi mà đêm buông xuống cũng là lúc bản tính dã thú nổi lên, lằn ranh thiện ác bị xóa mờ, mọi sinh vật tồn tại trên đất LA đều cố gắng kiếm ăn và nô dịch những kẻ yếu hơn. Đôi khi một con quỷ ăn thịt người lại chưa chắc đã xấu xa, nhưng ai biết một bác sĩ thành đạt hay anh bảo vệ chung cư chăm chỉ đang giấu cái gì ở trong tù? Vô vàn những lựa chọn sẽ được cân nhắc dưới góc nhìn của người chơi từ đó quyết định điểm kết của cuộc hành trình. Trong VTMB bạn sẽ không có cơ hội đóng vai người hùng đâu… bạn đơn giản sẽ chỉ phải sinh tồn thôi!

Cô này ăn thịt người, đừng phát xét cô ấy vì bạn cũng có phải người éo đâu.

Nhược điểm

Bugs

Nhược điểm lớn nhất của game có lẽ là một bộ sưu tập những bugs cực kì đặc trưng của source engine, ví dụ như góc lag, nhìn xuyên tường, lỗi âm thanh, kẹt cửa, khung hình bị nhòe vào nhau, súng tự cướp cò, hay khi chúng ta chìm xuống nước thì sẽ có 101 vấn đề phát sinh. Nhiều lúc phải thét lên… lắm bugs quá đi à.

Thiết kế sub quá chán, một hàng chữ bé tẹo xuất hiện ở góc trái màn hình, thường xuyên chạy trước hoặc sau lời nói của nhân vật khiến tôi bị loạn hết nhịp và khó tập trung.

Nhiều khả năng và tài nguyên bị bỏ phí

Vấn đề này tôi cũng đã đề cập trong bài viết về E.Y.E rồi. Cả hai game đều là những Action RPG hay, cùng sử dụng source engine và trùng hợp sao đều mắc lỗi này, có thể là tôi đòi hỏi quá nhiều vào một game năm 2004, nhưng dù gì thì cũng phải nêu ra cho mang tính công bằng cho những người bây giờ mới chơi hoặc có ý định chơi. VTMB có những màn chơi tuyến tính rất thú vị, những câu đố “hại não”, sự chi tiết trong thiết kế, những khu vực rộng lớn yêu cầu người chơi backtrack liên tục sau khi đã giải quyết một vấn đề (không đến nỗi như Metroid hay Darksoul). Thế nhưng những khu vực đó đôi khi quá trống trải, họ đáng lẽ có thể bổ sung thêm những side quest hoặc hidden item nhiều hơn vào những chỗ trống này. Chức năng đỡ đòn quá thừa thãi và vô dụng.

Về hai features hacking và picklock, tôi thấy họ cần thiết thêm vào những mini game nho nhỏ để hai việc này trở nên bớt nhàm chán và thụ động hơn. Dù sao đây cũng là một game Action RPG mà, ví dụ như việc picklock của Skyrim rất thú vị, hay hệ thống hack của E.Y.E thực chất là một mini turnbase game.

Game đem đến quá ít item và bố trí chúng không hiệu quả, sẽ có lúc nhân vật phải còng lưng chịu trận với những vũ khí cùi rồi đến khi mạnh lên thì lại xuất hiện một đống vũ khí đeo vào thêm nặng và chỉ có tác dụng ở early game.

Sự không rõ ràng trong việc hiển thị HUD và stat, bạn chẳng biết chính xác mình có bao nhiêu máu, % né là bao nhiêu, % phòng thủ là bao nhiêu và vô vàn những thông số khác nữa cũng chẳng hiện thị rõ ràng.

Tổng kết

Vampire: The Masquerade – Bloodlines là sự kết tinh hoàn hảo từ những yếu tố làm nên một game RPG hay nói riêng và game hay nói chung, một tuyệt phẩm nói không với sự lỗi thời, mặc dù còn có nhiều sạn và lỗi nhưng những giá trị mà VTMB và Troika games đem lại cho chúng ta chắc chắn sẽ không bao giờ bị phai mờ. Chẳng game nào hoàn hảo cả nhưng tôi thà chơi những game có điểm nhấn và sự sáng tạo dám nghĩ dám làm còn hơn chơi những game “ổn” nhưng phai mờ theo năm tháng. Cảm ơn vì đã đọc, bye.

 

 

 

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện