Về series game kinh dị đầu tiên tôi chơi mang tên Five Nights at Freddy’s

Khách mới

  

LAN MAN MỘT CHÚT TRƯỚC KHI VÀO VẤN ĐỀ

Well, năm lớp 7 lớp tôi có ba đứa bạn mới chuyển vào lớp, và sau n ngày (không nhớ lắm, chắc cùng lắm 1 – 2 tuần gì đấy), nhờ hai trên ba đứa bạn kia tôi tìm được thú vui mới cho bản thân. Đó là đọc creepypasta, cryptic, và chơi game kinh dị (và đôi khi là trùm kín chăn mỗi khi ngủ và không dám đi vệ sinh lúc nửa đêm và bất kì hành động nào khác của một đứa sợ ma bẩm sinh :>). Chúng tôi thường bàn tán với nhau về mấy nhân vật trong creepypasta, như Slenderman, Jeff the Killer, chuyện về Ben Drowned, hay về mấy tựa game kinh dị như mấy game Five Nights at Freddy’s hoặc Outlast/Outlast 2 (không nhầm thì hình như chỉ có mấy game này thôi, hồi đấy xem Pewdiepie với Markiplier là chính và thích nhất là ngồi xem mấy ông này chơi game kinh dị xong hét toáng lên như thể sắp chết đến nơi ấy).

Thề luôn xem Pewdiepie chơi game kinh dị giải trí cực :>

Và hiển nhiên là tôi về nhà down mấy game kinh dị về chơi, chủ yếu vẫn là FNAF và Outlast, nhưng hồi đấy máy tôi quá yếu (Intel Core đời đầu, 2G RAM, win 32bit, rõ ràng bố tôi mua máy này về chỉ để gõ Word), tới nỗi Outlast không khởi động nổi. Thế là tôi chuyển sang chơi FNAF. Nhưng vì bản thân là đứa chơi game không có tâm, tôi chưa hoàn thành được phần nào cả; dù vậy tôi nghĩ tôi vẫn viết được một chút về trải nghiệm của bản thân (dù sao tôi cũng bị mấy con robot đấy dọa cho phát chán rồi), đương nhiên là không có phần cốt truyện rồi nên các bạn khỏi lo bị spoil cốt truyện đâu.

VẤN LÀ NÓI NHẢM NHƯNG VỀ CÁI CỐT TRUYỆN MÀ TÔI CHƯA BAO GIỜ ĐỂ TÂM (VÀ YÊN TÂM LÀ KHÔNG LO SPOIL)

Thực ra thì tôi còn chẳng hiểu cốt truyện của FNAF là gì bởi hồi đó tiếng Anh tôi nó phải vào cái trình gọi là dở tệ, tôi chỉ biết có một đứa ất ơ nào đó nhận đi gác đêm cho một quán pizza nào đó để rồi phải đối với một đám robot nào đó muốn dọa bạn tới sấp mặt. Đứa ất ơ đó đặt bản thân vào chỗ chết cả tuần trời chỉ để nhận được hơn 100$ (cái này là bạn tôi nói, mà rõ ràng đây không phải là spoil nhá, đi làm mà không ăn lương thì rõ ràng ngồi trong nhà cách li xã hội trong mùa dịch tốt hơn nhiều đúng không, ờ—— :>). Dù sao ở đây chúng ta có ông anh (hay chị, tôi không rõ và cũng chẳng quan tâm) với đầu óc chập mạch chẳng khác gì ông nhà báo trong Outlast (vô lí như thể nào thì tôi nghĩ mọi người biết cả rồi, cơ mà có thể tôi sẽ chỉ ra trong bài viết về Outlast nếu sau này tôi có hứng viết tiếp :>).

Phần 4 có vẻ khác khi chúng ta vào vai một thằng bé thức đêm đánh Liên Minh, à nhầm thức đêm canh nhà hộ bố mẹ nó bởi vì cái-đám-Freddy-và-đồng-bọn-đó-nhưng-nhìn-kinh-dị-hơn bằng cách nào đó ở ngay trong căn nhà của thằng bé. Well, nhầm, chắc bố mẹ nó đi gác đêm thấy đám robot thú vị quá nên đã tha cả đống sắt vụn ấy về để gank thằng con cho nó khỏi thức đêm leo rank, thế đấy. Cơ mà tôi cũng thấy thằng bé can đảm phết, phải là tôi chắc tôi xác định là vào viện.

Này nhá, này nhá, đừng có mà hù tao nhá… Uầy cái gì thế này?

Tóm lại cốt truyện ai muốn biết thì chơi qua (mà theo đứa bạn tôi thì để ý mấy màn đồ họa 8-bit ấy, cốt truyện được truyền tải từ đấy là chính), hoặc mấy bạn như tôi thì có thể xem spoil trên internet, hoặc bỏ qua luôn đi, tôi biết phần lớn mọi người chơi FNAF để bị dọa sấp mặt thôi :>

GAMEPLAY

Sau khi chơi qua 4 phần đầu với cả Sister Location, tôi tạm kết luận FNAF là một series game kinh dị point-and-click (thực sự xin lỗi nếu tôi có sai phần point-and-click, mà hình như tôi không sai đâu :>). Phần lớn thời gian bạn sẽ ngồi chết dí trong phòng bảo vệ, tìm mọi cách để sống sót trong 6 tiếng đồng hồ bằng những cách như: bật camera check từ phòng này sang phòng khác như thể bạn check map trong Liên Minh, ngồi bật/tắt đèn hay đóng/mở cửa để cảnh cáo lũ robot rằng BIẾN ĐI CHỖ KHÁC, trong khi phải cân bằng lượng pin còn ít hơn cả tiền tiêu vặt của tôi hàng tháng.

Không nhiều, mà lại còn tiêu hoang là xong luôn

Tất nhiên là các phần cũng có những điểm riêng, ví dụ như phần 2 phòng bảo vệ bị mất luôn cửa (?), thay bạn có thể đội cái-hộp-hình-đầu-của-Freddy lên để lừa đống robot không não (ừ và phần lớn trong đám chúng nó cũng tin); phần 3 thì cắt luôn đèn (để tiết kiệm ngân sách của cửa hàng, chắc vậy) và thay vào đó chúng ta dùng âm thanh để đánh lừa lũ animatronics; phần 4 thì cho bạn luôn cây-đèn-pin-nhưng-sẽ-không-bao-giờ-hết-pin, nhưng bạn phải nghe tiếng thở của đám robot (wtf sao đám robot biết thở???); Sister Location cho phép bạn di chuyển giữa các phòng, nhưng thực ra cuối cùng bạn vẫn sẽ ngồi chết dí ở chỗ xó xỉnh nào đó làm mấy cái việc vặt nào đó và cầu chúa không bị đám robot gank.

Tóm lại, gameplay của FNAF, dù có thêm thứ này hay bỏ thứ kia, bản chất của nó cũng chẳng thay đổi: bạn hoặc bị đám máy nhảy ra hù và Game Over, hoặc sống qua 6 giờ sáng (và quay về phòng bảo vệ  vào tối hôm sau và tiếp tục cái công việc không-ai-dám-làm này).

Thế này…

…hoặc thế này, dễ hiểu đúng không?

Jumpscare tất nhiên là phần không thể thiếu của FNAF rồi, và đây là cách chính để Scott Cawthon (nhà phát triển game) dọa người chơi tới chết khiếp. Để tôi nhắc qua cho các bạn một chút, khi bạn không thể ngăn cản Freddy và đồng bọn của nó (lơ là không check camera, không bật đèn hay đóng cửa, hay thậm chí là dùng nhiều pin quá khiến hệ thống an ninh hết điện), bạn sẽ được chúng nó tặng miễn phí cho màn jumpscare vô cùng truyền thống với mặt chúng nó chiếm trọn màn hình đi kèm tiếng hét inh tai nhức óc.

AAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAA!!!!!!!!!!!!!

Mặt tốt của gameplay của FNAF là đem lại cho người chơi sự căng thẳng khi phải điều khiển hệ thống an ninh sao cho vừa ngăn bước đám máy, vừa kiểm soát lượng pin ít ỏi (tất nhiên, trừ phần 4). Một số màn chơi của phần 5 cũng phần nào đó yêu cầu sự khéo léo của người chơi khi phải trực tiếp đi sửa đám máy, đem lại cảm giác hồi hộp không kém, bởi một sai lầm đồng nghĩa với việc bị ăn dọa. Một điểm cộng nữa của các trò chơi là môi trường trong game là những căn phòng chật hẹp, đem lại cảm giác có phần ngột ngạt cho người chơi. Ngược lại, điểm chưa hoàn thiện của FNAF là gameplay dù có thêm này bớt nọ nhưng vẫn sẽ đem lại cảm giác lặp lại, cùng với phương pháp hù dọa có phần thiếu sáng tạo, khiến tôi vốn là đứa nhát ma trở nên chai lì với đống jumpscare mà nhà phát triển ném vào. Một vài lần đầu thì có thể giật mình chứ bị dọa mãi thì cũng chán thôi, tôi nói có sai không?

ÂM THANH, ĐỒ HỌA

Có thể nói phần âm thanh của FNAF đã được làm khá là tốt, từ tiếng đóng mở cửa, tiếng tắt mở đèn, tiếng rè rè khi soi camera, tiếng nhạc,… tất cả khi kết hợp với môi trường game chật hẹp tạo ra cảm giác ngột ngạt cho người chơi. Tiếng hét chói tai của đám máy, vốn là một phần của jumpscare, như tôi đã nói ở trên, vì bị sử dụng quá nhiều, trở nên nhạt dần, mất đi cái hay ban đầu của nó.

Phần đồ họa cũng đã hoàn thành tốt vai trò của. Vì là một game indie nên chúng ta cũng chẳng thể đòi hỏi quá nhiều, nhưng dù sao đồ họa của FNAF giúp cho người chơi nhập tâm hơn với bối cảnh mà game mang lại.

TỔNG KẾT

Có nên chơi Five Nights at Freddy’s không? Câu trả lời phụ thuộc vào bạn. Nếu bạn là người cảm thấy ổn với một tựa game có quá nhiều jumpscare, hãy chơi nó. Nếu tiêu chuẩn game kinh dị của bạn cao hơn, thì tôi không chắc bạn nên chơi, với gameplay có phần lặp lại và jumpscare bị lạm dụng. Nếu bạn có kính VR, hãy mua Five Nights at Freddy’s: Help Wanted, bởi dù chưa được chơi nhưng với những gì tôi thấy, Help Wanted là một phiên bản đáng chơi. Còn nếu bạn có  một nhóm bạn rủ bạn chơi? Chơi luôn đi, vui cực tôi thề :>.

P.S: Cảm ơn Thu Ngân, Quang Minh, và Minh Nguyệt – những con người từng kéo tôi vào creepypasta, cryptic và game kinh dị, khiến chúng trở thành thú vui khó bỏ của bản thân tôi – đã giúp tôi có động lực viết bài viết này.


Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện