Viết về truyện tranh (một bài viết không liên quan gì đến ảnh đại diện)

Chủ xị

  

Cả cuộc đời ngắn ngủi tính tới giờ, ngoại trừ việc học và ngồi suy nghĩ xem mai có nên sống tiếp hay không, thì chắc thời gian tui dành ra đọc truyện tranh là nhiều nhất. Mà đời đọc truyện tranh tui thực sự cũng chả lấy gì nhiều làm màu mè.

Hồi 4, 5 tuổi gì đấy, lúc nhà tui còn sống trong cái nhà tường ọp ẹp, cấp 4, 5 gì ấy, lên Siêu Xay-da rồi không chừng, mẹ tui có mua cho tui một cuốn truyện cũ mèm từ một sạp sách cũ, cuốn “Trạng Quỳnh” tập 3. Xét giá trị hồi đó thì cũng chả lấy gì là nhiều, cuốn truyện cũng bèo nhà bèo nhèo như nhúng nước, nhưng với tui hồi đó thì nó là cả một gia tài. Tui đọc chán, đọc chê, đọc lướt, đọc kĩ, đọc cả phần tên nhà xuất bản lẫn thời gian nộp lưu chiểu (mà lưu chiểu là cái khỉ gì nhỉ?) cho đến khi trang đầu tí nữa là rơi bố nó ra. Mẹ tui thấy vậy, nên cứ mỗi tuần là dắt tui ra nhà sách lựa truyện về đọc, ủng hộ cho sở thích của con. Lúc đó truyện cũng có 5 nghìn một cuốn, lần mua được 2 cuốn, đọc 10 phút là hết, nhưng 10 phút đó lại là 10 phút hạnh phúc nhất trong mắt một thằng oắt con. Tui nghĩ đó cũng là điểm bắt đầu niềm đam mê truyện tranh của mình.

Còn nói về manga, thì bộ truyện Nhật Bản gây ấn tượng lớn nhất với tui thì lại là Yu-Gi-Oh. Lúc vào cấp 1 thì trong khi lũ nhóc cùng tuổi chơi cái mà tụi nó gọi là “đập hình”, “vít hình”, “trá hình”, “hành hình” gì đấy, tui lại là một trong những đứa kì cục mua thẻ Yu-Gi-Oh về để ngắm. (Hồi đó, người ta gọi bài YGO là bài magic, một cách gọi sai hoàn toàn, như gọi admin là người có liêm sỉ vậy, nhưng mà thời đó internet chưa bùng nổ lắm nên cũng không sao). Tuy thời gian sống của một lá bài trong tay một thằng nhóc 7 tuổi thường không quá 24 giờ, tui vẫn thấy nó là một khoảng thời gian khá là thú vị. Từ đó, tui mới lập được một hội bạn thích chơi bài YGO (may thay, trong trường vẫn còn vài đứa cũng có chung sở thích), tuy chẳng đứa nào biết một chữ tiếng Anh bẻ đôi. Rồi cũng vì vậy nên cả đám bày trò chế hiệu ứng mấy lá bài, mà cái loại bài giả bán lền khên ngoài chợ cũng góp phần cho trí tưởng tượng trẻ bay xa phết. Lá nào lá nấy cũng 12, 13 sao, công thủ hoặc là ghi bằng tiếng Tàu, hoặc là 9999, nên đứa nào đứa nấy cũng có trong tay bộ bài mà Yugi có đánh cũng phải đầu hàng trong hai nốt nhạc.

Đây cũng là lá duy nhất mà cả đám biết hiệu ứng.

Rồi lên cấp 2, tui học về phương pháp kể chuyện ngắn gọn, tập trung vào trọng tâm và cách giữ cho câu cú mạch lạc, câu trước liên quan đến câu sau. Rõ ràng, bạn đọc thấy tui rớt môn này toàn tập. Mà thôi, bài về truyện tranh thì nên quay về chủ đề truyện tranh. Lúc vô cấp 2 là lúc tui biết đến về sự hiện diện của các thực thể toàn năng mà người lớn hay gọi là “mấy bà bán truyện dạo trước cổng trường”. Mấy bả như bà già Nô-en vậy, ít khi xuất hiện mà một khi đã bày sạp ra rồi thì thề có chúa, bị ghi tên cũng được, tui phải mua cho bằng được mấy cuốn Yu-Gi-Oh về đọc. Rồi cũng được một bộ sưu tập kha khá, dù có vài cuốn xi cà que như Frankenstein, nhưng đọc vẫn bánh cuốn như mọi khi. Mỗi tội Yu-Gi-Oh thời ấy cũng cũ phết rồi, nên kiếm được cả bộ cũng khó như tìm liêm sỉ trong tâm can admin (thật chứ, khịa admin chả bao giờ chán). Nên tui chưa bao giờ biết được cái mùi của việc sở hữu trọn một bộ manga là như thế nào. Cũng vì vậy nên giờ, điều kiện tài chính đã coi như là hơi hơi ổn thỏa, thì những cuốn đầu tiên tui xếp lên tủ sách lúc nào cũng là tập 1 của những bộ manga đình đám. Sau này nếu có điều kiện thì qua Nhật xách hentai về cũng được. Để coi đã.

Nhờ Yu-Gi-Oh, hay đúng hơn là các bà già Nô-en, mà tui biết được và bắt đầu thử đọc nhiều truyện hay ho khác nhau. Thời đó, ngoại trừ Đô-rê-mon và Conan ra thì Jin-đô và Jin-đô-đi-nhô (tên tiếng Anh là Eleven) là hai bộ truyện tui cực kì thích, mặc dù tui thì chả quan tâm gì mấy đến banh bóng. Có khi đồng cảm với tác giả? Mà tui thì nghĩ là đồng cảm với ông dịch thuật hơn, vì chả mấy khi vừa đọc manga vừa đọc thơ lục bát ứng biến cùng lúc được. Hoặc có thể tui thích ngắm cơ bắp của mấy anh trong manga. Mà dù sao thì, cũng tiếc là thời cấp 2 tui chỉ biết đi học thêm rồi về nhà chứ cũng chả có thời gian tìm đọc truyện, nên tui cũng bỏ lỡ một vài đầu truyện thời đó.

Nhưng tới năm cấp 3 thì chuyện đó cũng chả còn mấy quan trọng nữa, vì tới đó tui khám phá được One Piece, bộ truyện phải nói là đình đám nhất nhì Nhật Bản. Ngoài việc chứng minh cho tui thấy cơ thể của một thiếu nữ có thể phát triển một cách đáng kinh ngạc như thế nào, thì One Piece có thể là bộ truyện dạy cho tui nhiều điều nhất. Ngoài những thứ sến súa như kiểu “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ” rồi “Làm đàn ông phải có chí khí khảng khái”, vân vân, thì One Piece trong mắt của một thằng học sinh cấp 3 như là kim chỉ nam. Nó không đến nỗi dạy tui đạo làm người, nhưng nó đã chỉ tui sự quan trọng của sự kết nối giữa người với người. Cũng không rõ tui nên miêu tả nó như thế nào, nhưng One Piece… là một cái gì đó rất đặc biệt. Ngoài tâm thất, tâm nhĩ và mấy thứ đỏ lòm thì tim tui lúc nào cũng có một ngăn riêng cho bộ truyện này.

Và cho ngực của Nami và Robin nữa.

Mà tới lúc đại học, tui bắt đầu tự hỏi xem, mình đọc truyện tranh để làm gì, ngoài việc giết thời gian và yêu những cô gái hai chiều? Và hơn nữa, tại sao một số bậc phụ huynh lại không cho con em mình đọc truyện tranh nhỉ? Để trả lời câu hỏi đầu tiên, thì tui nghĩ tui đọc truyện để không cảm thấy mình không hòa nhập được với những người cùng chung lứa tuổi trong xã hội. Cũng như việc tui tạo ra một cái danh sách những anime cần xem, những phim cần coi, những sách cần mua rồi chưng trong tủ sách để người ta có qua nhà thì còn biết là “à, thằng này có đọc sách, tốt tốt” chứ chả đọc. Tất cả những việc ấy chỉ hòng lấp đầy cái khoảng trống bên trong tâm trí mà tui nghĩ khi biết càng nhiều thứ thì sẽ càng có nhiều người nói chuyện với tui.

Nhưng thực sự là không. Không phải biết càng nhiều thì sẽ càng có thứ để nói chuyện nên người ta không chán. Thực chất vì tính cách của tui đã bị chính tui mài giũa trong vô thức đến độ mọi cuộc gặp mặt mà tui từng tạo ra đều kết thúc cùng một kiểu. Không phải vì tui không hiểu biết nhiều về văn hóa đại chúng, mà vì tui thực sự không sở hữu những đặc điểm tính cách mà những con người bình thường sẽ sở hữu. Những người bình thường có thể đi chơi cùng bạn bè mà không phải lo nghĩ gì, vì họ biết chắc rằng họ có thể tin tưởng bạn bè họ. Tui thì khác, tui luôn luôn có một suy nghĩ đau đáu trong đầu rằng “Chắc hẳn người ta sẽ chán ghét mình sau một thời gian tương tác, và đây cũng chẳng phải lần đầu. Tại sao lại như vậy? Rốt cuộc thì ý định của mình cũng đâu có gì là sai? Hay là xã hội nghĩ rằng việc muốn có một ai đó để mình tương tác mà không cần lo nghĩ liệu họ có chán mình ngay lập tức khi mình mở lòng ra hay không, là sai? Bản thân cuộc sống chẳng lẽ tuyệt vọng đến mức này? Trạng thái giờ mình đang cảm nhận là gì? Liệu nó có phải là thứ mà ai cũng đang cảm nhận? Tại sao mình là người đầu tiên bị chán ghét? Tại sao lúc nào mình cũng là người bị gạt ra ngoài trong những cuộc tụ họp? Có phải vì mình là người xấu? Muốn có một ai đó thấu hiểu mình cũng bị xem là xấu hay sao?”…

Úi chết, sao lại mental breakdown giữa chừng thế này.

Còn câu hỏi thứ hai, thì tui nghĩ, truyện tranh nếu biết chọn lọc thì nó cũng có tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn, có khi còn hiệu quả hơn mớ sách Hạt giống tâm hồn của First News (tui có hiềm khích với First News). Đọc truyện tranh luôn là một hoạt động nên được khuyến khích, miễn là việc đọc ấy hợp với lứa tuổi. Truyện tranh bản thân nó không ác; không một loại hình nghệ thuật nào là ác cả. Việc không đọc xếp hạng nội dung rồi cho người chưa đủ tuổi đọc, việc đó mới ác.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly