Chơi game cùng bạn bè: Niềm vui hay vinh quang?

Huyền thoại ★

  

Hồi bé xíu mình cùng ông anh đi chơi Contra trên máy 4 nút, lớn lên 1 chút thì cùng ổng đi bắn Half-life và đá PES . Vào học trung học thì cùng bạn bè đi chơi Dday rồi Dota, CSGO, L4D2… Giờ học xong rồi thì vẫn chơi Dota 2, CSGO và Heartstone, nhưng lần này do không có điều kiện gặp mặt nên chỉ chơi 1 mình và vì thế cách chơi cũng hardcore hơn hẳn. Bài viết này mình sẽ chia sẻ suy nghĩ của mình về việc chơi game cùng bạn bè và chơi một mình, về niềm vui và vinh quanh đi cùng sự mệt mỏi và thất vọng.

Sự căng thẳng

Sự chuyên nghiệp luôn có 1 đứa em cùng cha khác mẹ, đó là sự căng thẳng. Ở những game đấu rank tầm cao, đối thủ của bạn sẽ không phải là những đoạn mã lập trình tẻ nhạt, mà là những đối thủ giỏi ngang bạn và khát khao chiến thắng như bạn. Lúc đó 1 sơ suất của bạn sẽ phải trả giá bằng 1 trận thua và làm lãng phí thời gian cũng như công sức của cả nhóm. Điều đó khiến mọi giây phút trong game như phút lặng giữa cơn bão chỉ để bùng nổ. Ở 2 game CSGO hay Dota 2 rank mình thuộc tầm top 5% thế giới, ở top 5% này mình có thể nói rằng niềm vui không nằm ở trong game đấu, nó chỉ nằm ở đầu game hoặc cuối game. Đầu game là khi bạn hi vọng, bạn tin tưởng rằng bạn chiến thắng, và cuối game là khi bạn có chiến thắng trong tay. Lúc đó bạn sẽ tin tưởng thêm bản thân, cái tôi cá nhân sẽ được củng cố. Nhưng nếu bạn thua thì mọi thứ sẽ thật tồi tệ. Cả game đấu là nơi bạn đặt cược cảm xúc của mình, và đó là 1 cuộc thi đấu, không phải là 1 con đường trải đầy hoa để tận hưởng.

Chúng ta, những đứa trẻ lớn lên trong thời đại khủng hoảng niềm tin và bùng nổ công nghệ, có thể sẽ tự hào về bất cứ cái gì mình giỏi về. Tuy nhiên nền giáo dục đại đồng và cuồng vĩ của chúng ta đã khắt khe tạc tượng thế nào là “giỏi”, thế nào là “đúng chuẩn” và gạt tay không thương tiếc 95% số học sinh “bình thường” trong xã hội. Chúng ta không được chỉ bảo để hiểu bản thân cũng như không được giúp đỡ để nuôi dưỡng niềm tự hào cá nhân. Chúng ta đành phải tìm 1 nơi để thử mình và chứng tỏ mình, và thế giới game là một trong những lựa chọn đấy.

Gánh team – Vinh quang và mệt mỏi

Hồi bé chơi Contra hay Rambo lùn với ông anh trên điện tử 4 nút, thỉnh thoảng mình hết mạng vẫn lấy mạng của ổng ra chơi tiếp. Anh em vui vẻ, thua thì chơi lại màn đó, có sao đâu. Lớn lên đi chơi cùng bạn bè thì khác, lúc đầu thì thoải mái, nhưng rồi sẽ đến 1 lúc mà sự thoải mái không quan trọng bằng sự thắng thua.

Căng thẳng và áp lực?

Thỉnh thoảng trong 1 số game rank cao, mình gặp đi gặp lại 1 đối thủ rất cứng tay. Heartstone chẳng hạn, con đường lên legend bao giờ cũng gặp đi gặp lại 1 đối thủ nào đó ở những match cuối. Hay như Dota 2, ở game trước mình gặp 1 ông đánh rất hay, phải nói là cân team, thế là lúc tìm trận sau mình cứ lo trong lòng rằng nhỡ đâu trận tiếp theo ông ấy ở team đối thủ. Còn ví dụ ở CSGO, 1 game FPS dựa nhiều vào cảm giác và kĩ năng thì việc biết mình phải đối đầu với 1 đối thủ smurf (người chơi rank cao dùng ID rank thấp hơn để hành gà) là một cảm giác khó chịu. Không ai muốn thua cuộc, không ai muốn hình ảnh của mình trở nên tệ hại trước mặt người khác, dù đối khi người khác ở đây là những người bạn thân hay là 1 người xa lạ. Không ai muốn trông ngớ ngẩn và bất lực, nhưng có 1 sự thật ở đây là, trong mọi game đấu chuyên nghiệp sẽ luôn có người thua, sẽ luôn có người phải chịu trách nhiệm. Mình nhớ lần đi đấu giải Dota, mặc dù mọi người ai cũng vui vẻ nhưng mình thì không thể có cảm giác ấy, bởi vì mình phải “gánh team”, mình phải đối mặt với đối thủ giỏi nhất của team đối phương. Sự thắng và thua của cả team 5 người phụ thuộc nhiều vào việc tay đôi này, và thường thì không phải lúc nào cái vinh dự ấy cũng là một thứ cảm xúc tốt đẹp .

Đó là lí do vì sao mình thích Heartstone. Trước hết đó là trò chơi 1 vs 1, không ai phải chịu trách nhiệm cho 1 cái nào khác ngoài chính bản thân. Trách nhiệm được tháo bỏ, sự tận hưởng sẽ tăng lên. Đó cũng là lí do mình thích yếu tố RNG của Heartstone. RNG là cần thiết cho những sự giải tỏa cảm xúc. Ngoài ra với RNG chúng ta sẽ không phải đối mặt với 1 hiện tượng gọi là “thủy triều cảm xúc”. Đã bao giờ bạn chơi 1 game mà càng chơi bạn và team bạn càng biết chắc bạn sẽ thua cuộc, khi đối phương càng lúc càng bỏ xa bạn về mọi thứ? Cái cảm giác nhấm nhá vị thua cuộc ấy, hẳn các gamer Starcraft sẽ là người hiểu rõ nhất.

Meta – Liệu có đáng để đánh đổi niềm vui

Meta – xu hướng của trò chơi, là một khái niệm dùng để chỉ cách tối ưu hóa phương thức cho trò chơi đó. Chúng ta sẽ phân tích điểm mạnh của nhân vật này so với điểm yếu của nhân vật kia, xếp loại các thuộc tính theo thứ tự từ tệ nhất đến tốt nhất. Tổng thể chúng ta có 1 cái bảng mà ở đó chỉ rõ ràng rằng ở mỗi Meta sẽ luôn có 1 cách chơi tối ưu nhất. Và muốn chiến thắng thì hãy làm theo meta và đừng cố gắng ngược dòng một mình chống lũ.

Điều này dẫn đến câu hỏi, chúng ta có vui khi làm theo meta không? Niềm vui của meta là niềm vui của chiến thắng, nhưng từ khi nào chúng ta chuyển từ chơi game cho vui đến chơi game để chiến thắng? Chúng ta khát khao thể hiện điều gì qua chiến thắng trong 1 trò chơi? Liệu có meta cho cuộc đời, khi mà ta chỉ đơn giản làm theo và chiến thắng?

Khi còn bé chơi game để vui, niềm tin của mình rằng mọi thứ đều bình đẳng. Cuộc sống công bằng, khi bỏ ra một thì mình sẽ nhận lại được một. Lớn lên học cách ăn thua mình mới hiểu rằng điều đó không đúng. Meta chính là 1 cách từ bỏ sự trẻ thơ để tin vào sự thực dụng, để hiểu rằng bỏ ra một có thể thu lại nhiều hơn một. Mình muốn chơi Taunt Druid trong Heartstone bởi vì mình thích hình ảnh những thần cây khổng lồ trong tiểu thuyết? Okay hãy mang vào thử trong Hearstone nào! Và mình có 3 ngày ăn hành sml không qua được rank 5 bởi vì mấy thần cây của mình không có chỗ đứng trong meta. Okay vậy mơ mộng thế đủ rồi, meta hay thế giới thật đã chỉ ra rằng muốn được vinh danh thì chỉ bản thân là không đủ, chúng ta phải hiểu và đi theo quy luật thành công của thế giới.

Lựa chọn của mỗi người

Hình ảnh mong ước về già của mình

Dẫu biết rằng mọi thứ cần trải nghiệm và va vấp để trưởng thành. Chúng ta thắng và thua để biết nhiều hơn, để hiểu đời hơn, để tự tin hơn. Một ai đó nổi tiếng đã nói rằng “thất bại lớn nhất là không dám thất bại”, nhưng cuộc đời cũng chỉ ra rằng đừng có dại mà thất bại liên tục. Chúng ta là loài động vật xã hội, mọi ghi nhận được dựa trên sự so sánh với người khác, tổng thể ra xã hội là 1 trò chơi chuyên nghiệp khổng lồ. Thất bại sẽ làm tụt điểm “niềm tin” của người khác đối với bạn, nguy hiểm hơn nữa là chính bạn sẽ mất niềm tin vào chính mình. Lúc bạn còn không tin vào bản thân mình nữa thì đó mới là lúc bạn “thất bại toàn diện”.

Cũng như mọi game, hãy cân bằng giữa meta và niềm vui, meta chỉ nên đặt ở nửa sau con đường trải nghiệm, việc lựa chọn giữa chơi game để vui vẻ hay chơi game để thể hiện mình cũng vậy, hãy chọn nó một cách khôn ngoan.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly