Trò chơi lớn nhất của Valve?

Khách mới

  

Khi nhắc đến Valve, chúng ta nghĩ ngay tới Steam, tới GabeN, tới Portals, tới Half-Life, tới Counter-Strike, tới … hoài hoài luôn … Nhưng mà chúng ta chỉ vào Steam rồi buff tiền cho GabeN rồi download game rồi chơi rồi lại nạp rồi lại download rồi lại chơi rồi lại hoài hoài như vậy xong rồi chết rồi chôn (hoặc hỏa táng tùy gia chủ).

Ấy vậy mà rất nhiều tay chơi mấy anh tới giờ này thậm chí còn chưa biết là chúng ta có thể add friend trong Steam, không ai trách anh cả các anh dzai ạ, nhưng hôm nay thằng em này mạn phép mở ra một cái nhìn hoài nghi hơn, người lớn hơn và đáng suy nghĩ hơn một chút cho các anh.

Một trò chơi mà không phải là một trò chơi, một hệ thống sinh thái điều khiển lớn nhất của Valve – STEAM.

[Bài viết này mang tính chất chủ quan, theo kinh nghiệm và cảm nhận của bản thân tui viết nên, mấy thầy cứ tranh luận thoải mái, biết đâu tui sẽ học được thêm vài thứ hay ho]

Ai cũng biết Steam, ai cũng dùng Steam, Steam là một giải pháp DRM (Digital rights management – quản lý bản quyền), nói cho dễ hiểu thì “cậu chỉ chơi những gì mà mình đã mua ở trên Steam thôi đó”.

Steam giúp trò chơi dễ dàng đến tay người chơi hơn, quản lý, cập nhật game dễ dàng hơn so với cách game thủ mua game và cập nhật game trước đó, cũng nhiều mặt tốt ghê héng. Steam từ lúc ra mắt đến giờ, tuy là có rất nhiều lỗi lã, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng những con người ở Valve đã nỗ lực giúp nó thay đổi, nâng cấp rất nhiều suốt thời gian qua.

Vậy thì cớ làm sao phải tốn quá nhiều nhân lực vào 1 phần mềm quản lý như vậy? – Tiền, không rõ tâm tư của GabeN như thế nào nhưng đúng là Steam đang đem lại kha khá tiền cho Valve, Steam như kiểu nhà cái, sàn giao dịch đứng ở giữa ăn tiền xâu vậy ớ, easy money.

Nhưng mà có lý do nào khác không? Chắc phải có, nên Valve mới đắp vài thứ khác lên Steam. Có bao giờ mấy anh chị em thắc mắc tại sao lại có level Steam không? Tại sao lại có rớt mấy cái card lèo tèo ra làm cái gì? Rồi đi “đập” mấy cái huy hiệu để làm cái gì? – Tào lao bắt xế, những tưởng như vậy, nhưng hóa ra lại không.

Steam có hẳn 1 chuỗi liên kết và ý nghĩa cho từng cái đó – Đây là lý do chính khiến tui nói Steam là 1 game mà cũng không phải là 1 game. Nó hoàn toàn có đầy đủ những yếu tố của 1 open world trading card game. Nó có XP, nó có Level Up, nó có unlock các tính năng showcase trên Steam Profile, nó có community, nó có forum, nó có market, nó có thùng đồ, nó có bảo mật 2 lớp, nó có hệ thống trao đổi đồ vật, nó có hệ thống bạn bè (dạ đúng, add friend là 1 tính năng của Steam, giống như mạng xã hội dzị đó), nó cũng có nạp tiền mua kim cương (tiền trong Steam Wallet), rồi dùng kim cương mua đồ xịn, trong trường hợp này là mua game hoặc những vật phẩm khác, chẳng phải là In-app Purchase thì là gì đây hả anh hai?

Vậy nó hoạt động thế nào? Tui sẽ giải thích rất KHÔNG ngắn gọn tiếp sau đây, giữ chặt ly beer của thầy nhé.

Đa số game trên Steam (đa số, không phải tất cả à nhe) đều có 1 dòng trong phần mô tả ngắn bên tay phải là “Steam Trading Cards”. Những game có dòng này sẽ rớt card sau khi bạn mua (ngữ cảnh này thì game free tui vẫn liệt vào mua với mệnh giá 0đ) và chơi được 1 khoảng thời gian.

Vào đề! Nói về Steam Trading Cards:

Sau khi chơi game được vài tiếng thì bạn sẽ nhận được 1 vật phẩm mới trong thùng đồ Steam của mình, đó là 1 cái card của game mình chơi. Card chia làm 2 loại, loại thường và foil (% rớt thấp hơn rất nhiều, giá trị cao hơn, hiển nhiên quá mà).

Card Geralt thường

Card Geralt foil

Mỗi game sẽ có 1 bộ card, số lượng khác nhau và số card có được từ việc chơi game đó vào khoảng một nửa. Để rõ hơn, tui đưa The Witcher 3 : Wild Hunt (TW3) lên bàn. Set card của game này có tổng cộng 6 card (Ciri, Dandelion, Eredin, Geralt, Triss, Yennefer), số lượng tối đa card rớt từ việc chơi game này là 3, nghĩa là bạn chơi game một hồi, quit game chuẩn bị đi ngủ thì Steam báo là có đồ mới trong Inventory, sẽ được từ 1 đến 3 card tùy theo thời lượng bạn đã chơi. 3 card này rớt ngẫu nhiên, nghĩa là bạn có thể nhận 2 card Ciri và 1 card Geralt (Foil hoặc thường) . Sau đó muốn có những card còn lại của TW3 là phải đi mua hoặc trade với người chơi khác. Steam không bán card này à nha, nguồn card đang lưu hành trên chợ hoàn toàn là từ chuyện chơi game mà ra.

TW Cards Set

Rồi, mày mò trao đổi mua sắm tí cũng ra, có 6 cái card của TW3 rồi, tiếp theo làm sao đây hả đại huynh? Đủ rồi thì vào phần Badge, thấy chỗ game TW3 có cái nút “Craft Badge” xanh màu xanh của bầu trời ấy, ấn cái bẹp, một cửa sổ nho nhỏ hiện ra, 6 cái card lần lượt cũng hiện ra và xoay thành 1 vòng tròn, hoạt cảnh rất bắt mắt, và rồi, bùm chíu, 1 cái badge hiện ra, 6 cái card thì đã thoát vòng luân hồi và không bao giờ trở lại nữa. Kèm theo cái Badge là 1 cái Steam profile background, 1 cái emoticon của game TW3 và 1 cái coupon giảm giá 1 game A nào đó mà 99% số lần là game-mà-ai-cũng-biết-là-loại-game-gì-rồi-đó.

[Video craft badge TW3 của người ta post]


Dành thời gian cho 1 bài nhạc – Châu Kiệt Luân. Ở đây xin dành chút thời gian cho Steam profile background và emoticon.

Steam profile background là 1 cái hình background để ịnh lên trên Steam profile … Có thể là gì khác sao =.= ? À nó sẽ cho 1 cái background ngẫu nhiên trong set (TW3 có 6 background cả thảy). Có thể tham khảo tại đây.

Ciri Background

Còn emoticon cũng là 1 cái random trong set 6 cái emoticon của TW3, dùng để chat hoặc comment ba lăng nhăng với bạn bè, ahihi.

TW3 Emoticons

Rồi, quay trở lại cái nhân vật Badge đã hô biến 6 cái card của tui mất tiêu. Anh badge này ảnh hay cái là ảnh hô biến mấy cái card của tui mất tiêu xong ảnh tặng lại cho tui 100 XP (Experience Point). Badge game nào cũng 100 XP hết à nha, Badge foil (craft từ 6 cái card foil) cũng cho có 100 XP thôi, khác cái là “nhìn” nó đã hơn, chứ anh foil badge ảnh cũng thấy ghét lắm chút tui nói sau. Cái anh badge thường á, craft ảnh được 5 lần lận (30 cái card hụ hụ), mỗi lần ảnh cho 100 XP là tổng cộng mình có thể grind đc 500 XP + 100 XP của anh foil = 600 XP cho 1 game.

Anh foil badge thì ảnh cũng cần mình hiến tế 6 cái card cho ảnh mà phải là 6 cái card foil à nghe. Vậy đó, vậy mà mình chỉ triệu hồi được ảnh có 1 lần rồi hạnh phúc mãi mãi về sau. Thường ảnh sẽ được thiết kế bóng bẩy hơn mấy anh badge thường, ấy vậy mà ảnh cũng chỉ chơi với anh background thường và anh emoticon thường vì mấy anh đó không có dạng hàng hiệu gì đâu. Anh foil này đúng là biết cách đánh bóng danh tiếng bản thân mà, hứ.


TW3 Badges

Những sự kiện như Steam Summer Sale hoặc Steam Awards sẽ có những anh badge riêng, mà level của ảnh vô tận luôn (cả thường và foil), mấy cái card của anh sale badge thì có nhờ việc làm những cái quest phụ linh tinh mà Steam sẽ đăng trên cái trang quảng cáo game của mình á. Thì cũng cứ 1 level là 100 XP, cũng được 1 cái background, cũng được 1 cái emoticon hoặc có vài cái bonus khác tùy theo bữa đó anh GabeN ảnh nghĩ ra được cái gì.

Rồi, cũng rồi nữa, XP để làm cái gì? Như bao game cày cấp 54 tiếng liên tục không ăn uống, đột quỵ, lên báo. XP là điểm số mà dựa vào đó tui sẽ lên cấp – Steam level ó.

Rồi Steam level để làm gì ? Thật ra có 1 chút lắt léo ở đây, chừa chút bia uống tiếp nghen.

Steam Level

Steam level là cấp độ của Steam … tối nghĩa … mà thật ra thì mỗi tài khoản trên Steam mặc định ở level 0 sẽ có 250 slot để kết bạn. Cứ mỗi 1 level Steam sẽ cho thêm 5 slot. Steam level càng cao càng nhiều slot bạn bè, cái chỗ mà mấy anh chỉ dùng từ 10 – 20 slot thôi ó, cho qua phần này, không béo bở.

Còn 1 phần thưởng nữa của Steam level là Booster Pack drop rate. Cứ mỗi 10 level, drop rate sẽ tăng 20% mà drop rate này là 1 con số Z nào đó mà Einstein chưa chắc đã biết.

Ể? Booster Pack là cái gì pa? Nãy giờ có nói gì vụ này đâu??????

Từ từ homie, tới ngay đây thôi.

Booster pack là 1 cái túi giấy ảo chứa 3 cái card trong đó. Khui nó ra nó sẽ cho 3 cái card random của game đó. Vậy drop rate nghĩa là nó sẽ rớt sao? Chính shác !!! Cơ chế là vầy: Khi có 1 người chơi trên Steam craft cái badge của TW3 thì tất cả những người “đủ điều kiện” sẽ được đưa vào quay số trúng thưởng (như đã nói, steam level càng cao thì khả năng “trúng” càng cao). Khi bạn trúng rồi thì muốn làm gì với nó cũng được, thật sự là rất tùy vào gia chủ thôi.

TW3 Booster Pack

Vậy “đủ điều kiện” là như thế nào? Bạn phải là COCC nhưng có hộ khẩu thường trú tại vùng sâu vùng xa nhưng điểm sau khi được cộng vẫn ứ bằng các thí sinh Hà Giang … e hèm … nhầm … xin lỗi.

Khi bạn nhận hết lượng card có từ việc chơi game, giờ đây bạn sẽ không còn nhận được card nữa “No card drop remaining”, khi đó bạn đã “đủ điều kiện” để nhận booster pack, và 1 cái phụ nho nhỏ là bạn phải đăng nhập vào Steam hàng tuần để duy trì tính “hợp lệ” này.

Hợp lệ nè nha

Rồi cứ thế, rồi cứ thế, quay đều quay đều những vòng xe, bạn sưu tập, tiếp tục sưu tập, trao đổi, mua bán, bạn có thể làm giàu, hoặc bạn có thể tận hưởng bộ sưu tập của mình một cách tự hào và hạnh phúc.

Chưa dừng lại ở đó. Tất cả các vật phẩm của Steam (card, emoticon, backgrounds, booster pack) có thể được đổi thành Gem. Gem từng là 1 loại tiền trong sự kiện của Steam vào thời vua Càn Long, giờ đây nó được dùng để trao đổi với các người chơi khác tùy theo đề nghị của họ, cũng không có gì phức tạp, nhìn tới nhìn lui chút là biết.

Uhm … Badge thì không đổi thành Gem được, vì nó không phải là 1 item, nó là Badge.

Ngoài ra còn có phần Achievement cho từng game nhưng ngoài tác dụng thủ “thế” tinh thần, nó chẳng có ý nghĩa gì khác (ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại, nó không có làm được gì khác ngoài việc trưng cho đẹp).

Còn về showcase, nó là mấy cái khung được thêm vào profile của bạn khi đạt đến 1 mức level nào đó. Showcase badge, showcase achievement, … tương tự như trên, chỉ để trang trí.

Cứ mỗi 1 game sẽ có 1 set card như thế, cộng gộp lại tạo nên hệ thống item của riêng Steam, quý vị cứ từ từ thưởng thức, còn tôi viết thế này cảm thấy quá dài dòng rồi.

Rồi, vậy Steam có phải là trò chơi lớn nhất của Valve không? Cùng “Cụng Ly” để trao đổi nhé.

Koong !!! Ực !!! Còn có tí, cạn ly nhé thầy

Sorry for the long post! This is a TW3 potato! 🙂

EmpTy – Tháng 7, 2018

————

Tham khảo:

Nguồn: lấy từ đây.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


4 cụng ly

  • B - 22.07.2018

    Viết hay đó Trí


    • EmpTy - 23.07.2018

      Thanks bro (y)


  • Critic Madafaka - 23.07.2018

    Mình tưởng bài Kiếm tiền từ Steam đã nói qua mấy cái này rồi nhể?
    Well, ít ra ở đây giải thích rõ hơn :))


    • EmpTy - 23.07.2018

      Thật ra đây cũng là 1 trong những cách kiếm tiền chính với Steam nhưng thật ra mình muốn nói là có 1 khía cạnh khác mà mọi người ít để ý tới. Thật hay vì bạn cảm thấy nó “rõ hơn” haha