Cẩm nang Civilization 6: Gathering Storm (P.1)

Chủ xị

  Hiệp Sĩ

Lời mở đầu: Bài viết hướng dẫn cách chơi Civilization 6: Gathering Storm (Civ 6: GS)  ở mức độ cao, được dành cho những người có hiểu biết cơ bản về Civ 6 nói riêng – series Civ nói chung và đang mong muốn nâng cao trình độ của mình. Bài viết được chia làm 2 phần: phần 1 là phân tích lý thuyết về trò chơi, bao gồm những thay đổi ở phiên bản GS, chiến thuật-chiến lược phù hợp, thông tin bên lề… Phần 2 là cách áp dụng những hiểu biết trên vào trò chơi, thông qua các ví dụ minh họa.

Mục tiêu của bài hướng dẫn là chiến thắng ở cấp độ cao nhất (Deity), ở map rộng nhất (Huge – 12 empires), thiết lập phổ thông (Standard). Các từ trong trò chơi được giữ nguyên không phiên dịch.

1. Phân tích phiên bản Civilization 6: Gathering Storm

1.1 Những thay đổi đáng lưu ý so với những phiên bản trước

So với phiên bản tiền nhiệm Rise and Fall ra mắt cách đây 1 năm, Gathering Storm có nhiều cải tiến đáng kể, đó là (1) sự tương tác với môi trường, (2) hệ thống lưu trữ tài nguyên và sử dụng năng lượng, (3) World Congress và Diplomatic Victory, (4) Cải thiện, bổ sung và cân bằng đáng kể Leader, UU (Unique unit), UA (Unique Ability), (5) AI (!).

Trong những cải tiến kể trên, (1) (3) (4) sẽ thay đổi mức độ cảm nhận của bạn về trò chơi. Tức là ta sẽ thấy trò chơi có thêm nhiều chức năng mới, đủ để ta tò mò khám phá. (2) và (5) sẽ thay đổi tính chất của trò chơi, tức là làm trò chơi khó hơn, thử thách hơn, theo cách mà một trò chơi chiến thuật nên có. Có thể ví (1) (3) (4) là những tính năng vui vẻ mà chúng ta cần ở một trò chơi giải trí, trong đó (2) (5) là cái mà bất kì người hâm mộ thực thụ nào của dòng game 4K yêu cầu: tính chiến thuật.

Giờ đây, ta không còn công thức 3 Horse man + 3 Archer + … win all the game nữa. Với việc Strategy Resources phải khai thác theo số lượng, việc tổ chức chiến tranh sớm với chiến thuật Rush Swordman (cần Iron) và Rush Horse Man (Cần Horse) sẽ khó khăn hơn. Ngoài ra, Strategy Resources cần được khai thác theo số lượng và hệ thống Power (các nhà máy điện) phụ thuộc vào số lượng khai thác, điều này làm cho việc tính toán vị trí xây dựng thành phố và chiếm giữ – khai thác – phân bố các mỏ tài nguyên trở nên cực kì quan trọng.

Ví dụ: Đối thủ sử dụng dầu (Oil) làm nguồn nguyên liệu chính đồng thời lực lượng quân đội chủ yếu là Infrantry (sử dụng Oil). Bạn nhận thấy các mỏ dầu đối phương nằm trên biển và không được bảo vệ gắt gao? Hãy sử dụng Bomber, Paratrooper phá hủy các mỏ dầu đối phương, để các thành phố mất điện và Infrantry kiệt quệ: -14 CS (Combat Strength) gần như là án tử với Infrantry.

Ở phiên bản GS, Firaxis cố gắng cải thiện hệ thống Diplomatic và mang trở lại Diplomatic Victory. Một số Empire được tùy chỉnh/bổ sung để tương thích với cách chiến thắng mới này, tuy nhiên hệ thống Diplomatic chưa thật sự phát huy được tiềm năng của nó. Trong phần lớn trường hợp thì bạn không cần quan tâm Favor (1 dạng tiền tệ của hệ thống Diplomatic), và nếu chơi đúng thì bạn sẽ thắng Culture-Science trước Diplomatic. Nó giống như một món tráng miệng bổ sung vào, nhưng không hòa nhập/bổ sung/tôn lên món ăn chính – tính tương tác/chiến thuật của trò chơi. Nếu so với Civ 5- đặc biệt là các bản mod thì hệ thống Diplomatic trong Cic 6 thua xa. Cảm giác dành giật từng City – States lẫn lăm le ban nhau ở Civ 5 luôn là cảm giác khó tả.

Chi tiết cuối cùng, cũng là chủ đề của bản mở rộng này: biến đổi môi trường,đã được Firaxis chăm sóc cẩn thận. Thiên tai được miêu tả ấn tượng và đẹp mắt, đôi khi còn mang đến chút wtf dành cho người chơi. Với thiết lập thiên nhiên ở mức 3-4, đôi khi thứ cứu thành phố của bạn không phải là quân lính hay tường thành mà là 1 trận bão đang tàn phá thành phố đối phương. Hoặc một trận lốc xoáy lớn làm quân đội đối phương tan tác. Thảm họa thiên nhiên nếu kết hợp với sự kiện xã hội ( 1 dạng tương tự mod: events bên Civ 5) sẽ thành bộ đôi tuyệt vời. Hi vọng Firaxis sẽ sớm bổ sung tính năng này.

1.2 Chiến thuật – chiến lược của trò chơi

Để chiến thắng trong Civilization 6: Gathering Storm chúng ta có nhiều cách khác nhau. Điều này phụ thuộc vào độ khó hay thông số ban đầu của trò chơi, tuy nhiên sẽ luôn có một cách được coi là nhanh hơn, hiệu quả hơn so với cách khác. Ví dụ lợi thế của French hay Brazil sẽ là Culture Victory, nếu độ khó là 1-2-3 thì điều này không quan trọng. Tuy nhiên nếu chơi ở độ khó 7-8 thì khác. Ở những Setup khó như: Delty – Continent – Huge – Standard thì việc tận dụng tối đa ưu thế của một đất nước là điều quan trọng.

Ở đây, chiến thuật là cách chúng ta thích ứng với từng trường hợp cụ thể, ví dụ như một quốc gia, một thời kì, môi trường, địa hình… Còn chiến lược là phong cách chúng ta chiến thắng trò chơi. Dù bạn hướng đến loại chiến thắng gì thì chiến lược hiệu quả nhất cũng là: Chiến tranh sớm – thích ứng – phát triển hòa bình. Tất nhiên chúng ta có thể chơi theo phong cách hòa bình, cả ván đấu kết Alliance với các đồng minh xung quanh rồi từ từ bay vào vũ trụ, nhưng đó là một trường hợp riêng và không thể áp dụng trong tất cả ván đấu. Vậy tại sao công thức: Chiến tranh sớm – thích ứng – Phát triển hòa bình lại là chiến lược hiệu quả nhất trong Civ 6: GS bất kể bạn lựa chọn quốc gia và hướng đến loại chiến thắng nào? Đó là bởi vì:

1.2.1 Chiến tranh là khoảng đầu tư hiệu quả nhất đầu game

Hãy coi chiến tranh như một khoản đầu tư. Nếu ở thời điểm đầu game bạn đầu tư vào Settle hay District để phát triển quy mô đất nước hay riêng một thành phố, thì hãy coi như bạn đầu tư vào Warrior, Archer, Horse Man, Ram … để đạt hiệu quả tối đa. Tại sao chúng ta nuôi Settle, để Settle đó lập thành phố rồi xây dựng District, khi mà chúng ta có thể nuôi Warrior, Archer và dùng chính Warrior, Archer đó chiếm những thành phố của AI? Tại sao phải xây District, xây Wonder, trong khi chúng ta có thể cướp được với cái giá rẻ hơn và trong một lộ trình dài hơi hơn?

Ở cấp độ 7-8, AI được nhiều lợi thế, và nếu bạn có gắng bắt kịp theo cách thông thường ( xây thành phố, tranh Wonder, phát triển khoa học-xã hội…) thì cũng rất thông thường bạn sẽ… không bắt kịp được. Hoặc giả sử bạn đuổi kịp và vượt qua một vài quốc gia xung quanh, thì cũng rất có khả năng một quốc gia xa xôi đang vượt trội bạn về mọi mặt, và thua cuộc chỉ là vấn đề thời gian. Ngoài ra, sớm hay muộn ở giữa ván đấu, các hàng xóm AI sau khi hết đất để đặt thêm thành phố sẽ xây quân đội và hỏi thăm bạn, và thường bạn sẽ tiêu tốn rất nhiều nguồn lực để phòng thủ đất nước. AI không thông minh trong warface, tuy nhiên với việc nhiều thành phố hơn, được lợi thế đầu game thì chiến thuật biển người cũng đủ để bạn khốn đốn. Lúc này chính bạn sẽ nhận ra, thời điểm AI phát triển đầu game chính là lúc thích hợp nhất để bạn làm điều gì đó. A problem can’t be a problem if they don’t exist anymore – Cách tốt nhất để giải quyết một vấn đề là khiến cho nó không tồn tại.

Ở gia đoạn đầu, các Eureka và Inspiration dễ kích hoạt, và vì thế chúng ta có thể đuổi kịp hoặc vượt qua AI ở những công nghệ cần thiết. Ngoài ra AI phần lớn sẽ tập trung vào phát triển, và mặc dù lực lượng quân sự vẫn tồn tại nhưng chúng không quá mạnh và có thể bị đánh bại. Ở thời điểm này chúng ta cũng chưa gặp quá nhiều quốc gia khác, nên việc tranh thủ “đánh sập” quốc gia láng giềng sẽ không gặp quá nhiều rắc rối từ hệ thống Diplomatic. Ví vụ rằng thay vì xây 4,5 thành phố hãy chỉ xây 2,3 thành phố và dồn công sức vào 3 Archer, 4 5 Horse Man (hoặc Sword Man) với 1 Ram chẳng hạn, chúng ta sẽ đi “xin” 5 thành phố của đối phương. Sau đó ổn định và phát triển khoa học – nghệ thuật. Khi bạn mạnh về quân sự và có chiến tích thì các hàng xóm cũng tôn trọng khoa học và nghệ thuật của bạn hơn.

Các lí do có thể kể thêm như sau: (1) Ở những bản đồ lớn (Large, Huge) thì chúng ta luôn giáp mặt với khoảng 2,3 quốc gia. Do ưu thế của AI nên sẽ có ít nhất một quốc gia mạnh vượt lên và đàn áp chúng ta trong thời điểm giữa đến cuối trò chơi. Tiệu diệt rắc rối sớm này trước là cách thông minh nhất để xử lý tình huống này. (2) Tầm quan trọng đặc biệt của các tài nguyên chiến lược. nếu bạn không mở rộng lãnh thổ thông qua chiến tranh thì nhiều khả năng cuối trò chơi bạn sẽ co cụm trong 4 5 thành phố cơ bản, không tiếp cận được các nguồn than-dầu-uranium ở thời đầu công nghiệp, do đó không thể duy trì công nghiệp (năng lượng gió, địa nhiệt… đến quá muộn) và quân đội thời kì này. (3) Sớm hay muộn AI cũng gây chiến với bạn, vì thế hãy chọn thời điểm có lợi cho bản thân để điều đó xảy ra.


Các điểm trừ nếu có: (1) Được ăn cả, ngã về không. (2) Các quốc gia lân cận (nếu họ gặp bạn lúc đang chiến tranh) sẽ ghét bạn suốt cả trò chơi, và vì thế bạn sẽ khó lòng có Luxury Resources hay Trade deal có lợi. Tuy nhiên như đã phân tích ở trên thì Diplomatic trong trò chơi … không quan trọng nên bạn có thể mặc kệ cả thế giới cũng được. (3) Căng thẳng. Chiến tranh chính là hình thức cao nhất của việc quản lý các tài nguyên (thời gian, vàng, nhân lực-nông dân-lính,…) và phân phối tài nguyên (Science input, Culture input…). Không phải lúc nào mọi việc cũng dễ dàng và nhiều lúc bạn bị 2,3 quốc gia xung quanh tiến đánh, hoặc gặp 1 thảm họa thiên nhiên nào đó mà nhân lực, vật lực đều cạn kiệt. Tuy chiến tranh là cách nhanh nhất (tính theo số lượt – turn) để kết thúc trò chơi nhưng thường sẽ có thời gian chơi dài nhất, bởi vì mỗi lượt bạn phải tính toán nhiều. Hãy cân nhắc nếu bạn là người yêu màu tím, muốn sống trong hòa bình và muốn next turn trong cảm giác thoải mái, dễ chịu.

Vậy đến đây ta có thể kết luận, để chiến thắng nhanh nhất trước AI thì nên chiến tranh, và chiến tranh càng sớm càng tốt. Ưu điểm vượt trội nhược điểm và có thể áp dụng với bất cứ quốc gia cụ thể nào. Các quốc gia có khả năng chiến tranh sớm (ie: UU thời cổ đại hay trung đại) đều được đánh giá cao trong phiên bản Civ 6: GS này.

1.2.2 Hãy thích ứng

Đôi khi chúng ta bắt đầu trò chơi bằng một ý tưởng: Ví dụ như vừa đọc 1 quyển sách về nữ hoàng Eleanor và muốn thử sức ngay với Eleanor of French và hướng tới chiến thắng văn hóa. Chúng ta bị định hình bởi những suy nghĩ/ý tưởng như vậy, và điều này có cái hay và cái bất lợi riêng. Một mong muốn/niềm tin cho ta động lực để thực hiện, tuy nhiên chưa chắc đã mang lại hiệu quả. Giả sử bạn muốn thắng bằng ý tưởng đó, không hề gì, đó là cuộc phiêu lưu cảm xúc của bạn, hãy tận hưởng. Tuy nhiên nếu bạn chỉ đơn giản là muốn thắng, hoặc lúc mệt mỏi không muốn cảm xúc dẫn đường thì nên … thích ứng. Sự thích ứng này cực kì quan trọng với 1 game chiến thuật dài hơi như Civilization.

Nên nhớ rằng, bất kì sự bonus nào đó nên là lợi thế, không phải sự ám ảnh. Với những người chơi thiếu kinh nghiệm, việc vô tư làm những thứ không liên quan sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Quay lại ví dụ về người chơi Eleanor of French, sẽ là sai lầm nếu spam Chateau và Theater District ở mọi nơi chỉ vì đó là khả năng riêng biệt. Cá nhân người viết bài cho rằng khả năng của Eleanor rất mạnh nhưng việc tập trung để phát huy khả năng đó là… tốn kém và không hiệu quả bằng cách khác (trừ khi bạn muốn chinh phục thế giới bằng tình yêu!). Thay vào đó hãy tập trung vào Wonder và Production ở midgame (thế mạnh ở French), Improvement thì nên tối đa…Farm chứ không phải Chateau. Xong đợt tie 2,3 District mới bắt đầu xây Theater. Lúc này cần thiết mới phá Farm để xây lại Chateau. Sở dĩ điều này vì Late game các Card bổ sung cho Culture Victory mới phát huy tác dụng, trong đó Culture ở Midgame được đánh giá không quan trọng bằng những yếu tố khác,…

Ở Mid game, giả sử bạn đã bắt nạt xong hàng xóm bên cạnh thì việc nên làm là ổn định và … ngồi suy nghĩ. Kiểm tra xem địa hình của mình như này đã đủ để đánh Late game chưa (có đủ tài nguyên, sát biển xây khu du lịch, sát núi xây công viên…) Sau đó kiểm tra AI xem có ai vượt lên, đe dọa bạn chiến thắng không. Lúc này là lúc bạn nghiên cứu hệ thống Spy, cách các bonus stack nhau (cái này cực kì quan trọng!), wonder/tech nào là keycore. Lúc này chính là lúc bạn định hình cách chiến thắng của mình. Nhớ rằng có thể bạn là 1 Canada yêu hòa bình và thích xây công viên quốc gia, nhưng cờ đến tay thì hãy phất, nếu có thể thì hãy chiến thằng bằng khoa học (nếu đầu game đánh tan được AI láng giềng có địa hình đồi núi, chiếm được nhiều vị trí đẹp cho Campus và Space Race…) hoặc thắng bằng quân sự (quân đang mạnh, cứ di tới thôi).


Một bonus +1 ở đầu game sẽ hiệu quả hơn một bonus + 10 ở cuối game, và đừng bao giờ cố định bản thân vào một kiểu cách chiến thắng nào. Hãy nhớ rằng Mid game là để điều chỉnh, nếu chiến tranh không hiệu quả nữa (đối thủ ở xa, đất xấu,…) thì cất gươm đao đi nói chuyện hòa bình. Khả năng đặc biệt nào không hiệu quả thì để đó, đừng “xây cho vui”. Một Mid game mềm dẻo thì Late game bạn cầm chắc chiến thắng đến 90%, kể cả khi vẫn đang còn 10 Deity AI đang nhăm nhe thịt bạn đi chăng nữa.

1.2.3 Chiến thắng cần kiên nhẫn 

Nếu bạn chơi tốt các bước trên thì đến cuối game việc duy nhất là chờ chiến thắng. Với cá nhân người viết bài thì việc ấn next turn khi biết chắc mình sẽ thắng (đứng đầu Science-Culture-Gold Input-….) rất nhàm chán và mệt mỏi. Đây chính là điểm yếu lớn nhất của Civ 6:GS so với Civ 5: Vox Populi: late game của Civ 6 chỉ đẹp chứ không kịch tính. Nếu bạn chọn cách chiến thắng là Religious và Domination Victory thì late game có thể tương đối cân não, nhưng thường bạn sẽ vô tình chiến thằng bằng Culture hay Science Victory trước khi điều đó xảy ra. Đó là vì:

  1. Chi phí chiến tranh ( Religious cũng là 1 dạng chiến tranh – spam quân) quá cao. Với việc thay đổi hệ thống tài nguyên thì giờ đây bạn không thể “spam” những đạo quân lớn tiệu diệt cả đất trời được. Việc này cũng có thể hiểu như thế giới thực tại: chi phí chiến tranh quá cao so với lợi ích kinh tế (trừ vấn đề liên quan đến đức tin/tôn giáo).  Giả sử bạn đánh Map Huge có 12 quốc gia. Bạn tiêu diệt một nửa là đã có thể chiến thắng bằng Culture hay Science rồi. Cá nhân người viết bài thấy việc hoàn thiện Domination Victory chỉ như sở thích cá nhân. Thường thì khi biết chắc sẽ thắng mình sẽ chơi ván khác chứ không ham thích đồ sát nốt đám “quốc gia lạc hậu” còn lại.
  2. Culture và Science Victory thật sự dễ thở hơn so với các phiên bản trước. Tuy rằng đây là nhược điểm của AI nhưng nó cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm trò chơi. Một ví dụ điển hình: Có một trận mình chơi Persia và tiêu diệt 2 nước bên cạnh bằng Immortal, sau đó chuyển sang Culture Victory bằng cách spam Pairidaeza. Tuy nhiên đến late game thì phát hiện ra Brazil ở lục địa bên kia cũng rất mạnh về Culture Victory. Thế là mình đổi sang Science Victory và việc này đơn giản là thay đổi trình tự xây dựng – Wonder – Phá Pairideaze để trồng rừng – thu gỗ – trồng rừng liên tục. Đặt Spy để chống phá hoại, vv và vv… Mặc dù AI cố gắng ngăn mình chiến thắng nhưng cũng không làm thể làm gì, lúc đó mình cảm giác rằng Culture và Science Victory hơi dễ dàng. Về sau thì mình nhận ra đó là sức mạnh đến từ các quốc gia linh hoạt như Persia, chứ không phải game thiết kế nhạt. Tuy vậy mình vẫn mong Culture và Science Victory có gì đó độc đáo hơn!
  3. AI hung hãn nhưng không thông minh. Việc này lúc đầu có thể làm chúng ta thích thú (chiến thắng dễ dàng, quân mình ít thắng quân địch đông…) nhưng về sau thì nhàm chán. Việc của bạn là di chuyển những đạo quân lv 5,6 ra chiến trường, “fortify until healed” + Supply/Medic những đạo quân tanker, hủy diệt đối phương bằng pháo và vũ khí tầm xa, lặp đi lặp lại như thế. Làm đi làm lại quá nhiều lần (và giết quá nhiều AI) thì bạn sẽ thấy tội lỗi và buồn chán không tả, lúc đó như kiểu mặt trời chân lý hiện lên, và bạn quăng hết súng đạn đi để nói về những thứ tốt đẹp của cuộc sống.

Tựa chung, Late game trong Civ 6: GS chỉ là hoàn thiện và thu thập chiến thắng cho bản thân. Cũng đôi lúc bạn nhận ra rằng mình không thể thắng được. Thắng thua không quan trọng, điều quan trọng nên là biết vì sao. Hiểu được điều này thì việc thắng AI trong Civ 6 trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Lúc đó nếu đủ tự tin thì hãy bước chân vào thế giới Multiplayer, Civ của AI và Civ Multiplayer là 2 thế giới khác hẳn nhau!

Tạm kết phần 1 ở đây, hãy coi những điều trên như lý luận chính trị. Bài viết phần 2 sẽ hướng dẫn cách thực hiện những điều trên như thế nào.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện