Đánh giá Dark Souls III

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số

Dark Souls III – Khi ngọn lửa tàn lụi.

7 năm là một khoảng thời gian khá dài, nhất là trong thị trường game hiện nay thì 7 năm còn dài nữa, trong 7 năm, hàng chục, hàng trăm tựa game nối đuôi nhau xuất hiện, hay có, dở có, trung bình có và siêu phẩm cũng có. Tuy nhiên, với một series game thì 7 năm lại khá ngắn ngủi để nó có thể tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng gamer. Nhưng có một series đã tạo dựng được tên tuổi của mình trong 7 năm ấy và trở thành một biểu tượng của làng game, một series game với một phong cách rất riêng, không thể lẫn vào đâu được, đó chính là DARK SOULS. Và năm 2016 đánh dấu sự ra mắt của phiên bản Souls có lẽ là cuối cùng của series – Dark Souls III, nó là hồi kết cho series, hồi kết cho ngọn lửa của Dark Souls, nhưng những gì mà Dark Souls III làm được hẳn sẽ còn sống mãi trong lòng các fan của Souls series.

Có lẽ nhiều người cũng đã từng đặt câu hỏi: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như vào năm 2009, Demon’s Souls không được ra mắt?” Tất nhiên rất có thể chúng ta sẽ vĩnh viễn không được thấy sự ra đời của Dark Souls, nhưng thật may mắn khi From Software đã mạnh dạn cho ra đời Demon’s Souls, một game A-RPG với độ khó ma chê quỷ hờn và cực kỳ kén người chơi. Cần phải nói rằng game có lẽ đã ngày càng “dễ đi” vì nó cần hướng đến mọi đối tượng, tất nhiên trong hầu hết các tựa game thì ai thích try hard vẫn có thể chọn độ khó cao hơn. Nhưng với Souls series thì không, vứt cái khái niệm chọn độ khó đi, game chỉ có một mức độ mà thôi! Tất nhiên ra mắt một tựa game như Demon’s Souls sẽ khá mạo hiểm, nhưng thật bất ngờ khi Demon’s Souls lại rất được yêu thích (tất nhiên game còn khá nhiều điểm hạn chế, nhưng đấy là so với các hậu bối của series), một tựa game ARPG với lối chơi không màu mè, dễ gây nghiện và có một phong cách rất tăm tối, rất hấp dẫn. Thành công của Demon’s Souls là đủ để From Software ra mắt một hậu bản mới hoàn toàn, kế thừa những cái hay của nó và thêm nhiều sự cải tiến mới, đó chính là Dark Souls ra mắt năm 2011, và chính Dark Souls đã biến Souls series trở thành một thương hiệu được biết đến rộng rãi bậc nhất trong làng game và sở hữu cho mình một cộng đồng người hâm mộ nhiệt huyết bậc nhất ở thời điểm hiện tại.

Demon’s Souls – người tiên phong của Souls series

và Dark Souls, người kế thừa hoàn hảo

Và sau 5 năm tính từ Dark Souls, ngọn lửa của Souls series cuối cùng đã đi đến hồi kết với Dark Souls III, và những gì mà Dark Souls III làm được thật sự rất ấn tượng và là cái kết hoàn hảo cho series này.

Đầu tiên, hãy nói đến những sự cải tiến của game. Còn nhớ khi Dark Souls II ra mắt, nó đã nhận được khá nhiều lời chỉ trích về cách thiết kế màn chơi khá là vớ vẩn của mình, cộng thêm hàng tá những sự không hài lòng đến từ gameplay, cốt truyện cũng như không khí của game. Thật may mắn là Dark Souls III đã không lặp lại những sai lầm ấy. Nếu như Dark Souls II gần như không có sự gắn kết nào với Dark Souls thì ngược lại, Dark Souls III lại liên quan trực tiếp tới Dark Souls, nó cũng rất trung thành với không khí u ám tăm tối đặc trưng của Souls series. Bằng chứng là gần như tất cả các khu vực của Dark Souls III đều rất rất tăm tối và u ám, đúng như tinh thần của game là “Ngọn lửa tàn lụi”, cá biệt chỉ có một vài khu vực là sáng sủa hơn một chút như Farron’s Keep hay Archdragon Peak.

Tuy nhiên, đó không phải một điểm trừ mà là một điểm cộng của game. Souls series nổi tiếng vì thế giới của nó rất tăm tối và u ám, Dark Souls II bị chỉ trích cũng là vì nó… sáng sủa quá và đôi lúc còn… thơ mộng quá! Dark Souls III đã quay lại với phong cách u ám đặc trưng, và nó thật sự là một điểm cộng vào gameplay khi càng chơi, càng dấn thân vào Lothric của Dark Souls III, bạn sẽ ngày càng thấy căng thẳng và u ám hơn, đúng như tinh thần của game.

Lại nói về gameplay, có một điều mà những ai không chơi hoặc chơi qua qua Dark Souls tưởng lầm, đó là độ khó đến mức “vô cùng tận”, và cũng là rào cản lớn nhất với gamer. Tuy nhiên, nó không bao giờ khó theo kiểu “bắt nạt” người chơi cho vui. Chúng khó là bởi vì chúng không bao giờ giải thích mọi cơ chế, hướng dẫn cách chơi một cách cụ thể, chúng giấu đi những chiêu trò của mình và buộc người chơi phải tự mày mò lấy, bởi vì về căn bản, không có một quy luật nào mà bạn buộc phải tuân theo trong trò chơi, hay nói cho chính xác: không có cách “đúng”, cách “chuẩn mực” nào để chơi Dark Souls, đúng như một game RPG, bạn chọn gì là quyền của bạn. Mỗi người chơi lại có một phong cách chơi khác nhau, người ưa chuộng sự nhanh nhẹn thì ưu tiên mặc những trang bị nhẹ, cầm vũ khí nhẹ, hoặc tốt hơn cả là tháo hết ra mặc quần đùi cầm kiếm mà solo với quái! Người thì ưu tiên sự an toàn lại đóng nguyên cây giáp to bậc nhất game và cầm great sword hay ultra great sword!

Tuy nhiên, hầu hết người chơi Dark Souls III đều theo trường phái hỗn hợp hoặc thuần theo một chỉ số nhất định (như strength hay dexterity chẳng hạn). Đó là cách tối ưu khi bạn có thể xoay sở trong hầu hết các tình huống hiểm nghèo, mà tin tôi đi, từ đầu đến cuối game gặp liên tục!

Cơ chế mới đầu tiên của Dark Souls III chính là ngoài hai thanh HP và Stamina đã quá quen thuộc thì nay có thêm thanh chỉ số thứ ba là FP (Focus Point). Thanh FP cho phép bạn thi triển phép thuật hoặc sử dụng những đòn thế đặc biệt của các loại vũ khí (weapon arts), và tất nhiên, nó cũng vơi đi sau mỗi lần sử dụng và muốn phục hồi bạn phải nốc một bình Ashen Estus Flask. Cái hay của Dark Souls III là game chỉ cho phép bạn cầm tối đa 15 bình Flask (cả Estus Flask và Ashen Estus Flask) nên bạn cần phân chia tỷ lệ hai loại bình cho hợp lý với phong cách chơi của mình. Ai thiên về phép thuật nên chia cho Ashen Estus Flask nhiều một chút, có thể là 5-7 bình, bản thân tôi không chơi phép thuật nên chia tỷ lệ là 12 bình Estus và 3 bình Ashen Estus.

Sự mới mẻ thứ hai, đó chính là Weapon Arts. Bình thường thì chúng ta có hai thế tấn công là Light Attack và Heavy Attack, Weapon Arts chính là sự đổi mới tuyệt vời khi mỗi vũ khí lại có một weapon arts khác nhau, và kết hợp các vũ khí khác nhau cũng cho ra những đòn thế khác nhau. Điều này giúp người chơi thỏa sức sáng tạo phong cách chơi, bạn có thể cầm hai thanh katana, hai thanh great sword hoặc phá cách là… chơi hai tay hai khiên luôn! Sự tùy biến trong việc lựa chọn trang bị của người chơi trong Dark Souls III đa dạng đến mức khó tin, nhất là khi người chơi lấy được các vũ khí được tạo ra từ Souls của những con boss bởi không những sở hữu vẻ ngoài và chỉ số vượt trội so với các vũ khí thông thường, chúng còn có các đòn đánh đặc biệt “có một không hai”, được lấy từ chính các kỹ năng của những con boss đó.

Gamer thì được trang bị “tận răng” trong bộ đồ nghề, thế nên để cân bằng lại cán cân sức mạnh, kẻ thù trong Dark Souls III dĩ nhiên sẽ không đời nào để người chơi mặc sức chém giết như Devil May Cry hay God of War được rồi! Chúng chơi theo kiểu hội đồng, linh hoạt đến kinh hồn, đòn đánh cũng rất rất đau, và tất nhiên rất thích nhảy xồ vào bạn từ một góc khuất nào đó. Lũ AI Invader thì còn khốn nạn hơn khi chúng có khi còn nhanh và linh hoạt hơn cả người chơi!

Và tất nhiên, đặc sản của Dark Souls vẫn là những màn đấu boss rồi! Hương vị này không thể thiếu trong Dark Souls III được, 25 con boss xuất hiện trong Dark Souls III (tính cả hai DLC Ashes of Ariandel và The Ringed City), tất nhiên vẫn có những con boss có thể đánh hoặc không, nhưng theo tôi thì đã chơi Dark Souls thì nên quất hết các boss để thử sức! Càng nên với Dark Souls III khi con boss được mệnh danh khó nhất Dark Souls III là một optinal boss – The Nameless King.


Từng con boss trong Dark Souls III đều sở hữu hai giai đoạn tấn công (phase), và tất nhiên ở phase 2 thì chúng khỏe, nhanh và mạnh lên đáng kinh ngạc, buộc người chơi phải thay đổi chiến thuật lập tức nếu không muốn bị tiễn về bonfire ngồi sưởi lửa! Một số con boss phase 1 khá là dễ dàng thì đến phase 2 là cả một vấn đề nan giải như Dancer of the Boreal Valley hay Pontiff Sulyvahn, tất nhiên sự hứng thú và kích thích cũng tăng dần lên rồi! Một số con boss thì lại có cách khắc chế riêng rất đặc biệt như Yhorm the Giant hay Ancient Wyvern. Mặc dù vậy, không phải toàn bộ mọi con boss trong Dark Souls III đều “ngang hàng” trong độ hứng thú khi giao chiến. Mặc dù loạt game luôn được biết đến với những con trùm có kích cỡ bằng những… ngọn núi, song có những trận chiến lại vô cùng nhạt nhẽo mặc dù con boss rất đồ sộ như High Lord Wolnir hay Curse-rotted Greatwood. May thay, hầu hết đều là các trận chiến sống còn và cực kỳ mãn nhãn, có thể kể ra như những trận đấu boss với Abyss Watchers, Pontiff Sulyvahn, Dancer of the Boreal Valley, The Nameless King,… hay trận đấu boss cuối Soul of Cinder. Cá nhân tôi thì thích nhất những trận đấu với Abyss Watchers, The Nameless King, Prince Lothric, Pontiff Sulyvahn và Slave Knight Gael.

Cách thiết kế màn chơi của Dark Souls III cũng là một sự thay đổi tuyệt vời so với Dark Souls II. Nếu như các màn chơi của Dark Souls II khá là nhàm chán, ít có tính liên kết và hầu như chẳng khơi gợi trí tò mò khám phá thì với Dark Souls III, mọi màn chơi đều cực kỳ hấp dẫn và kích thích trí tò mò. Sự liên kết giữa các màn chơi của Dark Souls III là khá chặt chẽ khi có khá nhiều các lối tắt kết nối các khu vực lại với nhau. Bạn sẽ luôn luôn bị kích thích rằng phải dấn thân vào chỗ đó, có thể nó có một rương báu hoặc những item giá trị, tất nhiên không phải lúc nào đời cũng như mơ, rất có thể bạn sẽ đụng độ một tá kẻ địch hung hãn và kết thúc bằng việc quay về bonfire, nhưng như thế mới hay chứ, phải mạo hiểm mới thú vị, phải không?

Bên cạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các khu vực thì một điểm sáng nữa là vẻ đẹp của các khu vực trong Dark Souls III. Nó rộng lớn đến mức khiến cho ta cảm thấy khó thở, nó “đẹp” một cách lạnh lùng, nó toát lên bầu sinh khí đầy tội lỗi nhưng cũng thật choáng ngợp. Đứng trên tường thành Lothric, xung quanh là những lâu đài, thành trì, đầm lầy và chỉ tay về phía chúng: “Đó là nơi mà chúng ta sẽ đặt chân đến”. Và phần thưởng cho bạn là khung cảnh đẹp đến nghẹt thở của Irithyll of the Boreal Valley. Nhiêu đó là quá đủ để xua đi sự ức chế sau hàng chục lần YOU DIED (cơ mà lưu ý nên dọn hết kẻ địch trước khi thư thả ngắm cảnh).

Một điểm nhấn nữa cho các cuộc đấu boss nói riêng và trên hành trình của Dark Souls III nói chung, đó chính là các bản nhạc! Nếu như phần soundtrack của Dark Souls II rất nhàm chán và không có điểm nhấn thì ngược lại với Dark Souls III khi mọi bản nhạc đều ẩn chứa trong mình những ý nghĩa của riêng nó. Tông chính của soundtrack Dark Souls III chính là sự trầm buồn, da diết và tiếc nuối vì ngọn lửa sắp phai tàn. Những bản soundtrack thật sự là một điểm nhấn cho Dark Souls III. Nhân tiện thì, hai bản soundtrack tôi yêu thích nhất trong Dark Souls III là của Abyss Watchers và Soul of Cinder.


Điều cuối cùng làm nên sự thành công cho Dark Souls III, đó chính là cốt truyện của game. Souls series tất nhiên vẫn nổi danh với cốt truyện khó nhằn, rải rác khắp nơi, bạn chỉ có thể suy đoán dựa vào các đoạn hội thoại với NPC, thông tin của các item, từ đó tự mình ghép lên những mảnh rời rạc của bức tranh. Dĩ nhiên cốt truyện của Dark Souls III liên quan trực tiếp đến Dark Souls phiên bản đầu tiên, các nhân vật của Dark Souls cũng được nhắc đến ở Dark Souls III như Gwyn, Seath the Scaless hay Knight Artorias,… Có thể nói Dark Souls là mở đầu thì Dark Souls III là đoạn kết cho Ngọn Lửa Đầu Tiên cũng như Thời Đại Của Lửa.

Và tất nhiên, đó cũng mới chỉ là những phần nhỏ và rời rạc trong câu chuyện của Dark Souls mà thôi, mỗi người sẽ có một lý giải khác nhau với câu chuyện của Dark Souls III. Ngoài ra, Dark Souls III cũng cung cấp 11 side quest của 11 NPC khác nhau (tất nhiên có liên quan ít nhiều đến cốt truyện), 11 quest này, có những cái riêng lẻ, có những cái liên quan đến nhau, và đều khá phức tạp, có những quest bạn phải hoàn thành mới mở được những ending khác của game. Điều không mấy hay ho lắm là việc các NPC này có thể chết “bất đắc kỳ tử” hoặc trở thành kẻ thù của bạn, nếu như bạn làm sai điều gì đó trong tuyến nhiệm vụ phụ của họ. Dõi theo quá trình nhiệm vụ trong Dark Souls III khá khó khăn vì game chả có cuốn nhật ký hành trình nào đánh dấu lại những gì mà bạn đang làm cả. Nhưng có lẽ đó cũng là cái giá của cái chết, và những sự kiện ảnh hưởng đến kết cục của game hẳn sẽ là lý do chính đáng để gamer bắt đầu hành trình mới (New Game +)

Cơ mà, đừng ai làm gì có lỗi với cô nàng Fire Keeper nhé! (Không đùa đâu!)

 

Cuối cùng, Dark Souls III vẫn tồn tại một số điểm yếu cố hữu như cốt truyện mù mờ (không hẳn là điểm yếu, nhưng với ai quen chơi game cốt truyện rõ ràng sẽ thấy khá khó chịu), kẻ địch đôi lúc có thể đâm chém hoặc ném thương… xuyên tường và dễ khiến người chơi chầu trời theo cung cách vớ vẩn nhất có thể! Một điều nữa là dù có port lên PC thì nút bấm hiện lên trong game vẫn là của… Xbox chứ không phải nút bấm PC! Dù trong phần option bạn tùy ý chỉnh nút bàn phím như thế nào thì rất tiếc, khi chơi game, các nút bấm của Xbox vẫn hiện lên như muốn trêu ngươi bạn, chẳng lẽ đưa chúng vào game khó thế à, chỉ cần thay cái hình là xong mà! Thêm nữa là bản port PC cũng khá là cẩu thả khi tình trạng drop fps ở một số khu vực như Archdragon Peak hay The Dreg Heap là khá thảm hại.

Tổng kết lại, Dark Souls III chính là một cái kết hoàn hảo cho Souls series. Câu chuyện đã kết thúc, cuộc hành trình đã khép lại, ngọn lửa đã tàn phai. Nhưng thay vì thất vọng khi phải đi đến hồi kết, hãy tự đặt ra câu hỏi cho mình: Liệu nó có xứng đáng với những gì bạn đã hy sinh trải qua hay không? Với bản thân tôi, được trải nghiệm Dark Souls III thật sự là một điều tuyệt vời, nhất là khi bạn liên hệ nó với phiên bản đầu tiên. Tôi sẵn sàng phá đảo game thêm… vài chục lần nữa, dù cái giá phải trả có lớn như thế nào, vì đơn giản, đây là DARK SOULS!

Dark Souls III (PC/PS4/Xbox ONE): 8,5/10

Hải Stark

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số
They can keep their own heaven, their own galaxy. To me, when I'm gone, I'd sooner go to Middle-Earth, to a galaxy far, far away...

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện