Đánh giá game: Warhammer 40,000: Space Marine

Chủ xị

  

“…Trong một tương lai rất xa trong vũ trụ…Chỉ có duy nhất chiến tranh…”

Tổng quan

Warhammer 40,000: Space Marine (Viết tắt là WSM) là một tựa game TPS (Third Person Shooter – Bắn súng góc nhìn người thứ ba) và “Hack-n-Slash (Chặt chém) ra đời vào năm 2011 bởi Relic và do SEGA phát hành. Vào tháng 8 vừa qua trang web bán game Humble đã có đợt GA tựa game này và tôi đã có cơ hội được thưởng thức tựa game mà mình chỉ nghe cái danh “Warhammer” trên mạng xã hội. Cho đến thời điểm hiện tại, trò chơi nhận được đánh giá ở mức Very positive với mức độ hài lòng của người chơi đến 91% trên tổng số gần 5000 review.

warhammer steam

Nội dung chính và cũng duy nhất của game xoay quanh một “Space Marine” là “Captain” Titus, một người lính thuộc lực lượng “Ultramarine” (Siêu chiến binh Lính “Thủy” đánh bộ – trong game là “Vũ trụ” đánh bộ) được cử xuống một hành tinh công nghiệp của Đế quốc loài người chống lại sự xâm lược của kẻ thù không đội vũ trụ chung với loài người – Lũ Ork cũng như bảo vệ những bí mật của con người trong cuộc chiến vô tận. Nhưng…liệu chỉ có vậy?

Ấn tượng đầu tiên

Không dài dòng, ngay khi người chơi bước vào màn hình menu bạn đã được chiêm ngưỡng ngay những pha “Fatality” mà Captain Titus “biểu diễn” với đám Ork trên màn ảnh với tông nhạc đậm chất “Warcry”, phản ánh sự khốc liệt và tàn bạo nhưng đầy sự hào hùng và kịch tính của chiến tranh. Từ đó người chơi có thể hình dung ngay lập tức được “cách” mà mình nên chơi tựa game này: Xông pha và Đổ máu.

main menu

Bước vào màn chơi campaign, bạn sẽ được giới thiệu ngắn gọn nhưng rất dễ hiểu và súc tích qua một đoạn cắt cảnh ngắn: Hành tinh Forge World Graia thuộc sự kiểm soát của loài người đang bị loài Ork tấn công. Tuy nhiên thay vì tiến hành ném bom trải thảm, hủy diệt hành tinh trước khi rơi vào tay loài Ork man rợ được vị-chỉ-huy-nào-đó đề xuất, phía lãnh đạo chỉ ra rằng hành tinh này là một khu công nghiệp vũ khí, quá quan trọng để có thể vứt bỏ vào hiện tại. Vì thế, bạn – một Ultramarine – được cử đi cùng một vài chiến hữu đổ bộ xuống hành tinh và giành lại quyền kiểm soát những món vũ khí bí mật mà Hoàng đế (The Emperor) đang phát triển tại đây.

Về mảng đồ họa thì đây là game năm 2011 nên cũng khá lỗi thời, nhưng không vì thế mà nó không đẹp. Card đồ họa hiện đại từ năm 2013 đổ về có thể ăn tốt Ultra setting của WSM.

Đồ họa

Gameplay

Đây là điểm nhấn chính của tựa game này hay chính xác hơn, nó là lí do đáng chơi nhất để bạn thưởng thức: Chặt chém tàn bạo và khốc liệt. Trước khi đi vào chi tiết, mời bạn nhậu thưởng thức một video gameplay ngắn trong phần campaign của tựa game (Audio không được tốt lắm, bạn nhậu có thể tìm link chất lượng hơn nếu không hài lòng):

Như trong video bạn có thể thấy rất rõ ràng cách thức mà tựa game “mời” bạn chơi: Chiến đấu với một bầy đàn kẻ thù đông áp đảo trong một khu vực nhất định tới khi không còn kẻ thù nào sống sót. Kẻ địch sẽ liên tục spawn ra đến một số lượng nhất định và bạn sẽ phải dùng các vũ khí có sẵn trong người để nện nhau với chúng. Cách mà bạn thực hiện nhiệm vụ duy nhất đó được chia làm 2 phương thức: Thứ nhất là xạ chiến và thứ hai là cận chiến nhưng thực lòng, những bạn nhậu nào chơi tựa game này chỉ chơi nguyên súng ống với lựu đạn thôi thì không nên suy tính tới việc mua game. Vả lại sẽ có những màn chơi, những ải hay khu vực mà bạn CHẮC CHẮN sẽ không thể qua được nếu không chịu rút vũ khí ra và chém nhau. Không phải là vì WSM “ngược đãi” người chơi mê bắn súng, chỉ là họ MUỐN người chơi trải nghiệm tất cả tâm huyết của họ vào game thôi. Vẫn sẽ có những khu vực mà gunplay là chủ đạo bởi kẻ địch của bạn hoàn toàn có thể sử dụng súng ống (cả lựu đạn) để bắn tỉa bạn nhưng đại đa số các màn chiến đấu chính thì cận chiến vẫn chiếm số đông.

Chiến đấu với lượng lớn Ork áp đảo bắt buộc phải động tay chân

Chiến đấu với lượng lớn Ork áp đảo bắt buộc phải động cả tay chân

WSM cung cấp một kho vũ khí nghèo nàn – nếu không muốn nói là ít ỏi cho người chơi nhưng những món vũ khí đó có điểm mạnh và hạn chế hết sức rõ ràng và luôn luôn có chỗ đứng trong mọi cuộc chạm chán, kể cả đó là cuộc đấu súng giữa bạn và đám lính bắn tỉa, giữ góc thủ site hay là một bầy Ork điên loạn hùng hục xông thẳng vào bạn. Một bầy Ork lớn nhỏ tập trung số lượng lớn lao tới bạn ư? Relic Bolter (súng trường) sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng. Gặp lũ cầm khiên? Vengeance Launcher (súng phóng lựu) sẽ đảm bảo chúng sẽ có một ngày rất tệ. Thấy một con mini boss đang lao đến? Tốt nhất là cận chiến đi nhưng nếu không thì Melta Gun (shotgun tầm gần cực mạnh) sẽ khiến hắn gục ngã chỉ sau 2-3 phát đạn đủ để thổi bay cả một góc bản đồ!

Súng ống trong set đồ của tôi lúc chụp

Súng ống trong set đồ của tôi lúc chụp

Nói về cận chiến, đây là điểm nhấn nhất mà Relic mang đến game thủ. Bạn sẽ được thưởng thức những màn “1 cân 100” y như những người lính Spartan trên phim ảnh (Chỉ trừ đoạn bạn mặc một bộ giáp nặng gần nửa tấn trên người thay vì cởi trần). Nhưng không chỉ đơn giản là cầm những cây kiếm hay rìu rồi spam chuột trái, mỗi một loại vũ khí cận chiến cũng có các điểm mạnh và hạn chế rất rõ ràng của chúng. Lấy ví dụ: Thanh Chainsword (Kiếm lai máy cưa) có tốc độ tấn công rất nhanh nhưng sát thương lại rất hạn chế và tầm sát thương ngắn. Trong khi đó chiếc Thunder Hammer (Búa) thì có sát thương cực lớn và có cả hiệu ứng damage diện rộng (AoE) nhưng bị bù lại bởi tốc độ đánh chậm và có hiệu ứng delay sau khi sử dụng combo. Còn chiếc Power Axe (Rìu) thì cân bằng giữa cả hai. Tùy vào gu khẩu vị của người chơi mà bạn tùy ý lựa chọn. Nhưng có một số lời khuyên như sau:

  • Nếu bạn chủ yếu chơi bắn súng tầm xa, tốt nhất là nên giữ Chainsword hay Power Axe đề phòng các con mini boss sống dai mò được đến bạn
Chainsword combo

Chainsword combo (Power Axe cũng tương tự)

  • Nếu bạn không hay bắn nhau thì hãy xài Thunder Hammer vì thực lòng, nó là món vũ khí chơi đập nhau sướng nhất.
Thunder hammer combo

Thunder hammer combo

Không dừng lại ở đó, mỗi một món vũ khí trong game có một “combo” riêng biệt với các hiệu ứng khác nhau. Với Chainsword thì đó có thể là một combo gây sát thương cực mạnh và gây choáng lên các mục tiêu phía trước, còn Thunder Hammer thì nện một cú đánh cực mạnh xuống đất và làm choáng lên mọi kẻ địch xung quanh bạn. Nói về “Choáng”, như bạn đã xem trên gameplay, khi mất máu do chiến đấu thì bạn chỉ có 2 cách duy nhất để hồi: Sử dụng “Rage mode” (Hóa “Thần”) vừa để tăng damage mà vừa hồi máu kể cả ngoài giao tranh, thứ hai là thực hiện những pha “Fatality” lên kẻ địch. Cũng không có nhiều điều để nói về nó, bạn đọc nếu có cơ hội nên trải nghiệm tận tay thay cho lời nói.

"Hành quyết" kẻ địch

“Hành quyết” kẻ địch


Một điểm nữa rất đáng để tâm và đáng khen của WSM là AI của game mà đặc biệt là đồng đội bạn. Bạn có thể để ý trong game khi bước vào giao tranh, họ THỰC SỰ có ích trong chiến đấu bởi họ cũng có thể gây thiệt hại lên lũ Ork bằng vũ khí của họ (mặc định là dao và súng trường, dù sát thương không bằng bạn). Nhiều lúc khi còn thấp máu chính bởi hai chiến hữu đi cùng bạn mà bạn mới có thể sống sót và tiếp tục hành trình. Họ có thể bắn giết đám lính tầm xa (dù không hiệu quả) và gây sát thương lên kẻ địch đủ để làm choáng chúng rồi bạn kết liễu ⇒ hồi máu.

Ngay cả lính quèn cũng giúp ích cho bạn

Ngay cả lính quèn cũng giúp ích cho bạn

Có lẽ đã đến lúc để nói về hạn chế của game. Sau khi hoàn thành campaign với tầm 8-9 giờ chơi và tầm 2 giờ trong chế độ multiplayer (Cái này nói sau), có thể nói vấn đề lớn nhất trong game chính là…bản thân của nó: Sự lặp lại. Mặc dù sở hữu cốt truyện liền mạch và có tính logic (Có plot twist nhưng cũng dễ hiểu nguyên do), WSM không cho người chơi bất kỳ hình thức chơi game nào khác ngoài việc tiêu diệt mọi kẻ địch trong khu vực đó trước khi có thể tiếp tục cuộc hành trình. Trên lý thuyết nó rất logic bởi tạo ra Space Marine hay Ultramarine rồi gửi họ xuống hành tinh tràn ngập lũ Ork xâm lược làm gì nếu bạn có thể sneak bỏ qua chúng để hoàn thành nhiệm vụ? Tuy vậy càng chơi game, càng chặt chém, càng bắn giết bao nhiêu thì mức độ “Hype” của bạn càng tụt giảm bấy nhiêu tới điểm mà bạn chỉ mong sớm hoàn thành campaign này để chơi multiplayer cho xong (có thể bỏ campaign để chơi multi luôn nhưng không khuyến khích). Đến một lúc khi tôi đã “Thuộc lòng” hết các pha Fatality thì mức độ hưng phấn khi chơi game gần như không còn nữa – ngoại trừ mong muốn phá đảo game.

Warhammer

Cảnh tượng to lớn nhưng thực ra trống rỗng

Đây cũng không phải game xây dựng map tốt, tất cả mọi thứ rất “Phẳng” và được dàn xếp ngay trước mắt người chơi. Kẻ thù cũng chỉ dừng lại ở việc một bầy lao lên, một bầy bắn từ xa rồi nhiệm vụ chính của bạn là giết sạch mọi thứ không-phải-con-người. Điều đáng tiếc nhất là họ hoàn toàn có thể cải thiện sự thiếu hụt về mặt gameplay này bằng cách rất đơn giản là đa dạng hóa (hay “Phức tạp hóa”) nhiệm vụ hơn thay vì cứ chỉ bảo người chơi đi đến đâu giết đến đó rồi lại đi và lại giết tiếp, đó có thể chẳng hạn như khi bạn tìm đường về căn cứ thì có thể hộ tống một đội lính dìu người bị thương đi cùng để họ chỉ đường hay tìm được một cỗ xe tăng còn hoạt động và cùng các đồng chí của mình lái nó đi càn lũ Ork, vân vân… Tiện nói luôn, bạn không được điều khiển bất kỳ phương tiện cơ giới nào trong game cả, một nỗi thất vọng rất lớn đối với một fan xe tăng như tôi.

Xây dựng thế giới

Trong hành trình của Captain Titus, bạn sẽ có cơ hội để tìm nhặt các “Dialog recorder” tức băng ghi âm giữa đống đổ nát trong thành phố. Đó có thể là cuộc nói chuyện giữa các chỉ huy trong lực lượng phòng thủ hành tinh, cuộc tự sự của một người lính sống sót hay sự chia ly của một gia đình trong sự hỗn loạn do bầy Ork gây ra. Mỗi một Act (ải) sẽ cung cấp một cuộc dialog gồm nhiều phần khác nhau và thu thập chúng sẽ giúp bạn hiểu thêm ít nhiều về sự quan trọng của hành tinh này hay sự tang thương mà chiến tranh gây ra.


Ghi âm

Ngoài những mẩu nhật ký đó ra thì trong cuộc hành trình chống lại bọn Ork, bạn còn được nghe những đoạn hội thoại, trao đổi hay tâm tư giữa bạn và những chiến hữu đồng hành cùng bạn. Chúng có thể không mang nhiều ý nghĩa hay không làm tựa game “hay” hơn nhưng nó giúp người chơi hiểu rõ hơn về bạn đồng hành và quan tâm hơn đến họ.

“…Với lũ Ork, đây không phải chiến tranh. Đây là thể thao…”

Multiplayer

Multiplayer

Phần chơi quan trọng nhất của game. WSM cho người chơi 2 chế độ chính khi chơi online: PvE (Người và máy) và PvP. Video sau là phần chơi PvE và cũng là lần đầu tôi trải nghiệm nó  trong 2 hiệp đầu trên tổng số 20 hiệp. Còn video sau là lần đầu chơi PvP, bị hủy diệt tanh bành do cấp độ quá thấp đối mặt với “thần cày”.

Đánh giá sơ lược về 2 chế độ: Đầu tiên là tổng quan cả 2, có rất nhiều perk và class trong game để đáp ứng mọi phong cách chiến đấu của người chơi: dù là PvE với class support đặt súng máy camp khu quái spawn hay PvP với perk tăng sát thương cận chiến, tất cả đều có.

Perk cho cả súng và class

Perk cho cả súng và class

  • PvE: Quái rất đông và còn có những loại quái mà trong phần Campaign không xuất hiện. Bạn sẽ sống sót cùng 3 chiến hữu nữa trong một khu vực mà lũ Ork liên tục được spawn ra. Đạn dược rớt từ xác kẻ địch nhưng rất khan hiếm trong khi quái rất đông và có cả đánh xa lẫn gần, vì vậy bạn bắt buộc phải phối hợp cùng đồng đội dù cho bất kể bạn là class nào đi chăng nữa.
Hết sạch đạn rất hay xảy ra nếu bạn chỉ mong chờ vào bắn súng

Hết sạch đạn rất hay xảy ra nếu bạn chỉ mong chờ vào bắn súng

  • PvP: Rất “Broken” bởi người chơi lâu năm (game từ tận 2011) có thể dễ dàng đè bẹp newbie, đặc biệt là họ toàn dùng các vũ khí mở khóa ở cấp cao nên đừng hỏi tại sao bạn cầm súng máy bắn cả băng đạn găm vào giáp họ mà còn không tróc hết lớp khiên trong khi họ bổ bạn 2 cái là đã bốc hơi lên bảng đếm số rồi.
Chỉnh class

Chỉnh class load out

Và ngoại hình

Trong Multiplayer bạn có quyền tinh chỉnh load out và ngoại hình của mình để phù hợp với phong cách chơi của bản thân cũng như tùy vào biến đổi của chiến trường, đặc biệt là trong PvP. WSM cung cấp một kho kỹ năng và trang phục, họa tiết rất đa dạng cho người chơi và hoàn toàn tự do tùy chỉnh chúng, từ giáp vai cho đến cả giáp cẳng chân đều có thể tinh chỉnh được. Nhưng không phải đùng một cái là bạn có mọi thứ trong tay, bạn BẮT BUỘC phải cày cuốc khá là kham khổ để có thể mở khóa đồ đạc trong game (dựa vào cấp độ để mở).

Lên cấp để mở khóa mọi thứ

Lên cấp để mở khóa mọi thứ

Lên level càng cao thì đồ càng ngon và mạnh (cả trang phục nữa). Chính vì vậy mà tôi mới bị hủy diệt đến tan tác như vậy trong PvP.

Tổng quan lại, WSM có xứng đáng với mức giá 15$ (250k VNĐ) không? Nếu bạn đã từng chơi Gears of War series, là fan của thể loại Hack-n-Slash, mê vũ trụ Warhammer, có máu cày cuốc và không màng đến sự lặp lại gameplay như tôi đã nói thì đúng, nó rất xứng đáng (bây giờ vẫn có thể tìm phòng chơi Multiplayer cả PvE và PvP đó). Nhưng với những ai muốn một gameplay sinh động, cạnh tranh thực sự với “True-skill” base thì nên cân nhắc bởi ngoài mục campaign ổn ra, bạn sẽ ăn no hành trong PvP nếu không cày cuốc đấy.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly