Đánh giá – Shadow of the Tomb Raider

Shadow of the Tomb Raider (xin gọi tắt là Shadow) ra mắt trong tình cảnh khá ảm đạm khi mà cơn lốc Spider-Man mới ra mắt cách đó đúng 1 tuần, kèm theo đó là nhiều bài review có những ý kiến trái chiều về game. Thế liệu Shadow có thể kết thúc serie reboot này một cách tốt đẹp không, và game liệu có đáng để bạn phải vung tiền ra để mua không?

Đầu tiên phải nói đến là các sự thay đổi của lần này. Nhịp độ của Shadow có cảm giác chậm hơn nhiều khi mà lần này game tập trung vào khám phá, thăm thú hơn thay vì liên tục quăng người chơi vào các đoạn set piece và bắn nhau như các phần trước, và tôi thích điều đó. Số lần mà mình thực sự phải cầm súng bắn nhau khá là ít, và các đoạn set piece bùng nổ cũng ít như vậy. Điều này khiến tôi đỡ mất tập trung hơn trong những lúc đi khám phá, thấm thía những cảnh đẹp hơn thay vì cứ nơm nớp đợi lôi súng ra rồi bắn nhau như trong các phần trước.

Cũng giống như Rise, Shadow cũng có các hub area để Lara có thể quay lại đi phá tomb, crypt và đi gom collectables, nhưng lần này có đến 3 khu vực hub thay vì 2 như là Rise. Đặc biệt phải nói đến là thành phố cổ đại Paititi, cực kì đẹp và rộng, và quan trọng nhất là cảm giác nó không hề trống trải. Tầng tầng lớp lớp là những mái nhà được làm bằng cây lá của những cư dân nghèo, cho đến những khu kiến trúc làm bằng đá đồ sộ của những cư dân giàu có. Tôi dành ra kha khá thời gian chỉ có đi loanh quanh, quan sát những hoạt động thường ngày và giao du với những người dân, khám phá và thưởng thức những cảnh đẹp và những kì quan kiến trúc mới. Hai hub còn lại là khu làng Kuwak Yaku và Mission of San Juan, mỗi nơi đều có những cấu trúc và kiểu đẹp riêng của nó. Kuwak Yaku thì hiện đại hơn nhưng cũng nhiều khó khăn. Những ngôi nhà được xếp lại từ những mái tôn trông tạm bợ, đất đai bị cày xới lên bởi những thảm họa thiên tai. Mission of San Juan thì có nhiều những ngôi đền thờ màu trắng toát, ảnh hưởng mạnh từ đạo Thiên Chúa. Các side missions lần này cũng nhiều hơn. Cái hay nữa đó là game còn cho phép mình chỉnh ngôn ngữ nói của NPC trong game sao cho nó hợp với bối cảnh. Lara thì vẫn nói tiếng Anh như thường nên hơi lạ chút, nhưng ít ra thì dev họ cũng đá cố gắng để tạo thêm chút immersion cho người chơi. Tóm lại việc giảm tiết tấu của game đi giúp mình trải nghiệm Shadow một cách trọn vẹn hơn. Rất hiếm khi chơi game mà tôi thấy có một cái cảm giác được khám phá cái gì đó mới mẻ và được đắm mình vào thực sự vào thế giới của nó, mình chơi rất nhiều game và chỉ có một vài game làm được điều đó, và Shadow là một trong số đấy.

Về các tomb và các crypt thì số lượng của chúng trong Shadow cũng tầm ngang bằng so với Rise, với 9 tomb và 9 crypt để khám phá. Tất nhiên sẽ có nhưng câu đố và những khu vực platform để thách thức người chơi. Lần này Shadow còn được thêm 1 chút gia vị ở chỗ là nó cho phép mình thay đổi độ khó của exploration, combat và puzzle một cách riêng biệt, hoặc nếu muốn thật hardcore thì cứ vặn lên độ khó nhất để chiến. Ví dụ như các fire base trong game, ở các chế độ dễ hơn bạn có thể dùng nó bất cứ lúc nào, nhưng ở khó nhất bạn phải có nguyên liệu để thắp lửa lên, và cái fire base cũng chính là chỗ duy nhất bạn có thể lưu game.

Về các mechanic chính của game, Shadow có thêm một vài thêm thắt nho nhỏ. Như đã nói ở trên, Shadow lần này tập trung khá nhiều vào exploration nên game sẽ thưởng người chơi bằng các skill mới mỗi khi phá được một tomb. Nếu bạn là một completionist thì việc tìm tomb gần như là bắt buộc vì nếu ko đi phá tomb thì bạn sẽ ko mở được hết tất cả các skill. Phá các crypt cũng sẽ thưởng cho bạn những bộ quần áo khá là lộng lẫy dành cho Lara, kèm theo đó là các enhancement như là giảm damage, tăng exp,.. để giúp đỡ người chơi. Hơi khó chịu ở chỗ là story nhiều lúc ép buộc Lara phải mặc một bộ đồ nhất định nên việc mặc một bộ mình thích từ đầu đến cuối là không thể. Còn có một số thêm thắt nữa về mảng stealth và leo trèo nhưng nói thật chúng không đem lại nhiều những thay đổi lớn, hơi đáng tiếc ở khoản đó.

Nói tóm lại thì ngoài những thay đổi về nhịp độ của game thì mặc dù đã có một chút cái mới, nhưng Shadow vẫn có cảm giác hơi quen thuộc, đôi lúc *hơi quá* quen thuộc đối với những ai đã chơi các phần reboot trước như mình. Cái này không hẳn là một điều xấu nhưng vì đây là phần cuối cùng của serie reboot này nên mình đã mong đợi có cái gì đó thật mới hơn về các mechanic của game, nhưng mà hơi thất vọng. Về mặt technical, Shadow cũng còn có một chút thiếu sót. Như đã nói ở trên là rất ít lần cần phải lôi súng ra bắn (đấy là nếu bạn cương quyết stealth đến cùng), nhưng lúc cần bắn thì súng cảm giác rất là nhẹ và không được khoái như các phần trước đây. AI của địch cũng có nhiều vấn đề, nhiều lúc chúng chỉ cứ ngồi yên một chỗ, hay là những tên cận chiến thì cứ xông thẳng vào Lara như muốn tự tử vậy. Cơ chế crafting và survival cũng đã quay trở lại từ Rise, nhưng tiếc là cái mà mình thấy không ưng nhất khi mà cứ đi được tầm 20 mét là lại có đến 3-4 thứ để mà nhặt, rất phiền hà. Đến cái thứ cơ bản nhất là bắn mũi tên lửa cũng cần đến 3 nguyên liệu khác nhau để làm. Nếu dev có thể cân bằng cơ chế này một chút thì có lẽ đã tốt hơn.

Sang đến phần story. Tôi muốn nói nhanh luôn là nếu bạn mong muốn có một story thật lôi cuốn thì chắc là bạn sẽ thất vọng. Thực ra là Eidos họ đã có cố gắng để biến câu truyện của Shadow thành một câu truyện có phần cá nhân của Lara, bằng chứng là một khởi đầu khá là tốt, thể hiện cho mình thấy được sự bối rối và có phần ích kỉ của Lara. Cơ mà khi story của game sang đến act 2 thì những xung đột đó bị đẩy ra hầu hết thời gian, thay vào đó là một thời gian dài đi đánh nhau với lũ Trinity và đi phá tomb. Character development dành cho Lara rất là ít, nhân vật của cô ngoài trông xinh xắn ra thì rất là tẻ nhạt. Điều này chắc chắn đã có thể sửa được nếu Lara không cứ phải đi ngao du một mình như vậy. Những phút đầu tiên khi cô ở cùng Jonah là những phút hay nhất, họ có thời gian để phát triển nhân vật của  mình, nhưng hầu hết thời gian Jonah đều bị tách biệt ra khỏi Lara. Những mối quan hệ của Lara với các nhân vật khác trong game cũng không có cái nào được phát huy hết và có sức hút cả, rất là phí.

Nói chung thì mặc dù với tất cả những lỗi lầm mình đã kể thì Shadow of the Tomb Raider vẫn là một game không hề tồi. Điểm mạnh chính của game đó là nó tạo được cho mình cái cảm giác được khám phá và trầm trồ thán phục mỗi khi game đưa mình đến với một cảnh đẹp tiếp theo, và cái quan trọng nhất đó là khiến người chơi như đang được ở đó cùng Lara và đồng bọn, đi ngao du khắp nơi. Kèm theo đó là các cơ chế cũ của serie vẫn còn hoạt động tốt nhưng rất cần có một cái gì đó mới mẻ hơn. Tôi nghĩ rằng các fan của serie vẫn sẽ có thể có một thời gian vui vẻ với Shadow of the Tomb Raider, phần cuối của serie reboot này.

 

3/5 – Đáng để mua, đáng để chơi.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện